Thái Bình: Triển khai đồng bộ hoạt động khuyến công
Giai đoạn 2014-2019, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã triển khai được 193 đề án khyến công, với tổng kinh phí 19.448,5 triệu đồng. Trong đó, 56 đề án khuyến công hỗ trợ về đào tạo lao động, nâng cao tay nghề cho 5.535 người, tập huấn, nâng cao tay nghề vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp cho 3.920 lao động, đào tạo lao động ngành nghề khác cho 950 lao động. Tỉnh cũng hỗ trợ tư vấn, tập huấn đào tạo, tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý DN, hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, thành lập DN, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm CNNT cho các cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh.
193 đề án khuyến công được triển khai giai đoạn 2014-2019 |
Những thành quả từ hoạt động khuyến công của Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, hiện đại hóa nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn hiệu quả. Đồng thời, đóng góp quan trọng vào phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III, năm 2020.
Theo đại diện Sở Công Thương Thái Bình, từ những thành tựu trong công tác khuyến công, tỉnh đã rút được 5 bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các đề án khuyến công một cách hiệu quả.
Một là, để tổ chức thành công các đề án khuyến công quốc gia phải có sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Đặc biệt, có sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, ngành, trường đại học, cao đẳng, các cục, cụ, ciện của trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là UBND các huyện, xã nơi tổ chức thực hiện đề án và có sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các cơ sở sản xuất CNNT trong việc triển khai thực hiện các đề án.
Hỗ trợ đào tạo lao động cho hoạt động khuyến công |
Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các chương trình, đề án khuyến công quốc gia để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân tham gia tổ chức thực hiện các đề án, nhất là các cơ sở CNNT được hỗ trợ, hoặc phối hợp thực hiện với các tổ chức dịch vụ khuyến công.
Ba là, đơn vị được giao nhiệm vụ phải có bộ máy tổ chức, con người, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, phương tiện đủ mạnh để thực hiện các đề án như: Việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và dạy nghề phải đảm bảo đầy đủ các các điều kiện về thủ tục hành chính cho công tác bồi dưỡng, đào tạo, dạy nghề như: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, dấu nổi, dấu nhỏ để cấp chứng chỉ, chứng nhận. Đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật, hăng say nhiệt tình với công việc được phân công, đồng thời phải am hiểu luật pháp cũng như kiến thức xã hội.
Bốn là, việc lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phải phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, huyện, thành phố.
Năm là, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia phải có kế hoạch, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, phân công, phân nhiệm cụ thể giữa đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư). Phải thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát và thống nhất trong và sau quá trình triển khai thực hiện để kịp thời khắc phục khó khăn, đánh giá, rút kinh nghiệm về thực hiện đề án để làm bài học cho việc thực hiện đề án sau .Việc xây dựng định mức các khoản chi phí thực hiện đề án phải phù hợp với các quy định của nhà nước, phù hợp với giá cả thị trường và tình hình thực tế của địa phương. Kết hợp khai thác các cơ sở vật chất và các nguồn kinh phí khác của địa phương, của cơ sở công nghiệp nông thôn để thực hiện các đề án.
Với mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả công tác khuyến công giai đoạn 2014-2019, giai đoạn 2020-2025, Sở Công Thương Thái Bình đề ra phương hướng, xây dựng mục tiêu và giải pháp thực hiện hoạt động khuyến công địa phương. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện việc khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, bảo vệ môi trường. Phát triển CNNT gắn kết với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp; giữa ngành công nghiệp với các ngành kinh tế khác.
Tỉnh Thái Bình cho biết, tới đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, đồng thời đóng góp thiết thực vào phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương. |