Thái Nguyên: Tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm trị giá gần 940 triệu đồng Thái Nguyên: Phát hiện gần 400 sản phẩm gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ Thái Nguyên bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư |
Đẩy mạnh kiểm tra mặt hàng vàng
Tại hội nghị giao ban báo chí tỉnh Thái Nguyên ngày 25/4, phóng viên Vuasanca đặt câu hỏi: "Trong bối cảnh công tác kiểm tra chuyên đề với mặt hàng vàng của cơ quan quản lý thị trường đang được thúc đẩy quyết liệt, nhiều tỉnh, thành phố liên tục kiểm tra và phát hiện sai phạm ở các cơ sở kinh doanh. Vậy, trên địa bàn Thái Nguyên, nội dung này được Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai ra sao?"
Trả lời vấn đề này, ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường các biện pháp quản lý vàng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản triển khai thực hiện nội dung này.
Ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên |
Theo đó, yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất gia công, kinh doanh, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ...
Các nhóm vấn đề kiểm tra theo thẩm quyền của quản lý thị trường gồm: Đăng ký kinh doanh và điều kiện kinh doanh; chấp hành quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tiếp đến là kiểm tra hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương giám sát chặt chẽ các đối tượng buôn bán, vận chuyển vàng trang sức, mỹ nghệ nhập lậu qua địa bàn để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo Cục trưởng Tạ Đình Dũng, sau khi có thông tin Quản lý thị trường cả nước ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng, nhiều địa điểm kinh doanh mặt hàng này đã dọn sạch tủ hoặc hạn chế trưng bày những mặt hàng trang sức na ná mẫu thiết kế của thương hiệu lớn như Chanel, LV...
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh, mua bán vàng trên địa bàn.
"Việc này đòi hỏi quá trình nắm bắt, chúng tôi đã giao cho các tổ trinh sát tại các cửa hàng vàng. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần làm bình ổn thị trường kinh doanh vàng, đảm bảo quyền lợi cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Quản lý thị trường", ông Dũng khẳng định.
Tăng cường xử lý vi phạm về thương mại điện tử
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, thời gian gần đây hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh.
Bên cạnh những lợi ích do hoạt động thương mại điện tử đem lại, đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua - bán online là người tiêu dùng không được trực tiếp trải nghiệm, đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán, nên đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
"Việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bởi các đối tượng bán hàng trên mạng không có cửa hàng cụ thể, mà đặt hàng, lấy hàng ở nhiều nơi khác nhau, sau đó sử dụng các đơn vị vận chuyển, chuyển phát, thu tiền hộ.
Trên bao bì đơn hàng không thể hiện địa chỉ của người bán... Điều này khiến cho lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian để theo dõi, xác định chứng cứ, đấu tranh xử lý", ông Dũng nhấn mạnh.
Kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Phổ Yên |
Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng đang tiếp tục tăng cường quản lý, thu thập thông tin, giám sát hoạt động kinh doanh để theo dõi tình hình, phương thức hoạt động, kho bãi tập kết hàng hóa của các đối tượng. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính.
Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đơn vị (Công an, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, thanh tra chuyên ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp chuyển phát…) trong trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu quản lý, phối hợp rà soát, phân loại website có dấu hiệu vi phạm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 902 vụ, xử lý 723 vụ. Trong đó, 116 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả 11 vụ, thương mại điện tử 98 vụ, gian lận thương mại 55 vụ và 454 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính, trị giá hàng hoá vi phạm tịch thu, tiêu huỷ hơn 9,5 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7 tỷ đồng (đạt 127,34% chỉ tiêu giao thu ngân sách nhà nước năm 2023). 4 tháng đầu năm 2024 lực lượng quản lý thị trườn kiểm tra 274 vụ, xử lý 270 vụ. Trong đó, 46 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả 96 vụ, thương mại điện tử 27 vụ, gian lận thương mại 27 vụ và 101 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính, trị giá hàng hoá vi phạm tịch thu, tiêu huỷ hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,2 tỷ đồng (đạt 59,37% so với chỉ tiêu giao thu ngân sách nhà nước năm 2024). |