Công ty Xăng dầu khu vực III Hải Phòng - Tiếp nối truyền thống, vững bước đi lên TP. Hải Phòng: Xếp hạng Di tích lịch sử đối với “Tháp Sở Dầu” tại Công ty Xăng dầu khu vực III |
Sở dầu Thượng Lý – “cái nôi”, “địa chỉ đỏ” của ngành Xăng dầu Việt Nam. Cứ đến ngày 13/3 là dịp để mỗi người lao động Petrolimex tìm về, hòa mình và sống lại những ngày tháng hào hùng, vẻ vang, bất khuất, giữ vững cho mạch chảy xăng dầu.
Nhà truyền thống Công ty Xăng dầu Khu vực III – nơi lưu giữ những truyền thống, những dấu tích lịch sử đầy tự hào, vẻ vang của những người công nhân xăng dầu |
Nơi đây còn lưu giữ bức tranh về cuộc bãi công lịch sử 95 năm trước của công nhân Sở dầu. Ngày 13/3/1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch Công Hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện - Bí thư Liên khu B và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422/500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Truyền thống bất khuất ngày 13/3 của công nhân xăng dầu tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những năm 1965-1972, Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý là mục tiêu số 1 bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Hàng trăm trận oanh kích, hàng nghìn tấn bom đạn Mỹ dội xuống Tổng kho xăng dầu Thượng Lý và các kho phân tán ở Hải Phòng, Hải Hưng, Quảng Ninh.
Ngày 9/3/2023, UBND TP. Hải Phòng đã ký quyết định và trao Bằng Di tích lịch sử cấp thành phố “Tháp Sở dầu” tại khuôn viên Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý, Công ty Xăng dầu khu vực III. Tháp Sở dầu vốn do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, dùng để làm chòi giám sát mọi hoạt động của viên chức và công nhân. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tháp Sở dầu là một trong những vị trí tác chiến quan trọng của cán bộ, công nhân viên và lực lượng tự vệ công ty cùng với lực lượng vũ trang địa phương.
Ông Nguyễn Sỹ Cường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân xăng dầu; ý nghĩa và tầm vóc lịch sử từ thắng lợi của cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý cách đây 95 năm. Lần đầu tiên, công nhân xăng dầu Việt Nam thực hiện một cuộc đấu tranh với hình thức bãi công, tạo ra tiếng vang trong phong trào đấu tranh chống Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ, được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu.
Phát huy truyền thống anh dũng kiên cường đó, suốt những năm qua các thế hệ người lao động ngành Xăng dầu đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.