Thảm họa tại Nhật Bản- “Dư chấn” đến thị trường hàng hóa
Ảnh: Internet
- Từ khi thảm họa động đất, sóng thần xảy ra tại Nhật Bản, không chỉ có chứng khoán bị tác động mà thị trường hàng hóa thiết yếu cũng xáo trộn rất nhiều, đặc biệt là thị trường năng lượng.
Thị trường Uranium
Tác động nhìn thấy rõ nhất là sự biến động về giá kim loại này. Theo báo cáo của Viện tư vấn UX, chỉ sau mấy ngày, giá oxit uranium đã giảm 9,8% từ 66,50 USD/pound tuần trước xuống còn 60 USD/pound trong phiên giao dịch thứ 2 (14/3). Đây là đợt giảm giá mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy vậy, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường này rất “nhạy cảm” với tin tức từ Tokyo. Khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản hiện nay là một cú sốc thực sự. Đây sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thị trường kim loại này.
Trong vòng 6 tháng qua, thị trường trở nên bấp bênh khi giá uranium đã tăng tới 76% và chạm kỷ lục 73 USD/pound vào đầu tháng 2 vừa qua.
Thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản gây nên nhiều tranh cãi trên thế giới về những nguy hiểm tiềm tàng, không thể lường trước khi sử dụng nguồn năng lượng từ uranium. Rất nhiều các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Ý đã phải kiểm tra lại toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của mình.
Thị trường khí đốt
Sau thảm họa, Nhật Bản phải tìm kiếm nguồn năng lượng mới thay thế hạt nhân. Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong điều kiện bình thường, 11 lò phản ứng hạt nhân tạo ra 60 tỷ kwh điện mỗi năm. Nếu dùng khí đốt thay thế, sẽ cần tới 12 tỷ m3 (khí)/năm. Kết quả: trên sàn Nymex tại New York, giá trị giao dịch của khí đốt tự nhiên trong phiên ngày 16/3 đạt 3,93 triệu Mbtu, tăng 5,38% sau 5 ngày. Mặt hàng khí hóa lỏng cũng tăng mạnh và đạt 967 USD/ tấn trong phiên ngày hôm sau.
Ông Djillali Hacid, chuyên gia phân tích của Pháp giải thích: “Giá khí hóa lỏng tăng cao bởi, trong khi khí đốt tự nhiên chỉ có thể vận chuyển bằng đường ống thì khí hóa lỏng có thể dễ dàng vận chuyển bằng tàu thuyền. Do vậy, Nhật Bản sẽ tìm đến nguồn nhiệt năng này để thay thế cho điện hạt nhân. Đây cũng chính là kỳ vọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn”.
Thực tế, những hành động mới đây của Chính phủ Nhật đã chứng tỏ sự đúng đắn của nhận định trên. Ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Makiko Kikuta đã kêu gọi Chính phủ Indonesia tăng cường xuất khẩu khí hóa lỏng.
Trong khi đó, “gã khổng lồ” Gazprom của Nga cho biết họ sẵn sàng cung cấp cho nước này 200.000 tấn. Về phần mình, Hàn Quốc cũng hứa sẽ chuyển hướng một phần hoạt động xuất khẩu về phía Tokyo.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng đánh giá: “Các nhà đầu tư chờ đợi giá sẽ liên tục tăng cao tiếp trong dài hạn trước xu hướng tăng cường nhập khẩu mặt hàng này nhằm thay thế năng lượng hạt nhân của Nhật. Chúng tôi đã nhận ra xu thế tăng rõ ràng từ tháng 3/2009 và có khả năng giá khí hóa lỏng sẽ chạm đỉnh 1325 USD/tấn từng thiết lập vào tháng 7 năm 2008”.
Giá dầu dự kiến sẽ tăng cao
Giá dầu rất có thể sẽ không dừng lại ở các mốc hiện tại, mặc dù giá “vàng đen” đã giảm khi có lo ngại về sự giảm sút nhu cầu xăng dầu ở Nhật trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dầu mỏ cũng sẽ là một giải pháp thay thế năng lượng hạt nhân. Do đó, cùng với khí hóa lỏng, giá sản phẩm này dự kiến sẽ tăng trở lại. Theo đánh giá của IEA, lượng dầu tiêu thụ của Nhật có thể tăng đến 200 nghìn thùng/ngày để bù đắp thiếu hụt trong sản xuất năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, xung đột dai dẳng tại Trung Đông vẫn sẽ hỗ trợ cho giá dầu đi lên.
Thị trường kim loại
Ngay trong ngày xảy ra thảm họa, giá đồng rơi xuống còn 8992 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12. Nhôm, chì, thiếc, kẽm, niken cũng giảm giá trong ngày sảy ra thảm họa.
Nhưng lo ngại về sự mất giá không kéo dài lâu. Đến thứ 2 (14/3), giá đồng và nhôm đã tăng trở lại. Harry Sebag, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Saxo nhận định “các thị trường đã ổn định trở lại”. Đến ngày 16/3, giá đồng đã nhảy lên 9354 USD/tấn.
Ngô và đậu tương
Các sản phẩm nông nghiệp cũng không thoát khỏi ảnh hưởng “Đây là một hiệu ứng cơ học: các thị trường kỳ vọng nhu cầu của Nhật sẽ giảm”. Giá ngô, lúa mì và đậu tương cũng giảm đáng kể trong phiên giao dịch ngày thứ 3 tại Chicago. Một bushel ngô (khoảng 25kg) giao tháng 5 giảm 4,5% còn 6,36 USD tại sàn giao dịch Chicago, lúa mì mất 7,35% còn 6,6775 USD/bushel và đậu tương cũng giảm 4,93% còn 12,74 USD/bushel.
Nhật Bản là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới (theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ) đồng thời cũng là một trong năm quốc gia nhập khẩu lúa mì và ngô nhiều nhất.
Phượng Nguyễn