Thâm nhập thị trường gạo Trung Đông qua Dubai
- Ông Faisal Ali Mousa đưa ra nhận định này trong cuộc gặp với đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Bản thân ông Faisal Ali Mousa đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn FAM (Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất - UAE) và Al Rowad – một chi nhánh của FAM là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất trong khu vực.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Faisal Ali Mousa nhằm mục đích mời các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Rice Dubai 2011, trao đổi biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam sang UAE và tìm kiếm cơ hội đầu tư từ Trung Đông vào sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.
Theo ông Faisal Ali Mousa, ba lý do để gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực là uy tín gạo Việt Nam đã được nâng lên, công nghệ chế biến tốt và giá hợp lý. Trung Đông hiện là trong những thị trường gạo lớn trên thế giới, bên cạnh châu Á và châu Phi.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Trung Đông chưa nhiều. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông 333.443 tấn gạo (chiếm trên 5% tổng lượng gạo xuất khẩu) và tính đến hết tháng 8/2011, lượng xuất khẩu giảm mạnh, còn 45.462 tấn.
Ngoài ra, một hạn chế nữa của xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Đông và châu Phi là vẫn phải qua khâu trung gian nên làm gia tăng chi phí môi giới, không nắm bắt được cung cầu và giá cả thị trường, dẫn đến khi gạo Việt Nam tới tay người tiêu dùng trong khu vực giá đội lên cao, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh.
Hợp tác trong sản xuất và thương mại gạo với Việt Nam đang là chủ đề được nhiều nước trong khu vực Trung Đông quan tâm đặc biệt. Tháng 3 vừa qua, Ảrập Xêút đã cử một đoàn bao gồm hai bộ trưởng và đại diện các công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp sang Việt Nam để tăng cường hợp tác nông nghiệp và mua lương thực, thực phẩm.
Không chỉ Ảrập Xêút, ông Faisal Ali Mousa cho biết, nhiều tỷ phú và chính phủ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang quan tâm đặc biệt tới đầu tư vào sản xuất lương thực ở nước ngoài để tạo nguồn lương thực bán giá rẻ ở trong nước và Việt Nam được xem là một ưu tiên.
Mới đây, tỷ phú người Ảrập Xêút đứng thứ 63 thế giới Sheikh Mohammad Al Moudi đã công bố dự án đầu tư 2,5 tỷ USD vào trồng lúa ở Ethiopia. Lương thực giá rẻ là hàng hóa quan trọng để các nước vùng Vịnh ổn định xã hội.
Theo ông Faisal Ali Mousa, tiếp cận thị trường gạo khu vực không có nhiều khác biệt lớn so với các thị trường khác về yêu cầu sản phẩm. Ông Faisal Ali Mousa nhấn mạnh, gạo xuất khẩu vào Trung Đông phải có chất lượng cao, bao bì có hai ngôn ngữ Anh và Ảrập, doanh nghiệp làm ăn với đối tác UAE cần có năng lực thực hiện hợp đồng số lượng lớn trong thời gian ngắn và rất nghiêm túc.
Trong các kênh thâm nhập thị trường Trung Đông và Bắc Phi (MENA), Dubai hiện đóng vai trò đầu mối nhờ lợi thế về hạ tầng và chính sách thương mại mở, cộng với sự am hiểu thị trường khu vực. Trong 5 năm trở lại đây, Dubai là thị trường tái xuất gạo lớn nhất thế giới (chiếm 93% tổng lượng tái xuất gạo thế giới) với kim ngạch hàng năm khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, gạo xuất khẩu của Việt Nam qua Dubai lại giảm liên tục trong 3 năm qua, từ mức 5,5 triệu USD năm 2008 xuống 1,8 triệu USD năm 2010.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan đều đặt văn phòng tại Dubai để hướng tới xuất khẩu trực tiếp và đang xúc tiến việc mở nhà máy đóng gói tại đây nhằm tranh thủ điều kiện tài chính thuận lợi.
Chương trình XTTM quốc gia năm 2012 đã đưa vào kế hoạch một số nội dung, sự kiện tại Trung Đông và Bắc Phi nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường khu vực nhiều tiềm năng.
Rice Dubai 2011 được tổ chức tại Dubai (UAE) vào tháng 11 năm nay dự kiến quy tụ của giới sản xuất và kinh doanh gạo quốc tế từ hơn 100 nước, được đánh giá là cơ hội tốt để tiếp cận đối tác trong khu vực và nhận diện sự cạnh tranh từ các đối thủ khác. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết sẽ tham dựRice Dubai 2011.
Doanh Chính