Thâm nhập thị trường xuất khẩu gạo giá cao: Trở ngại trong đấu thầu điện tử
- Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 4/5/2011, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo (giao hàng đến hết tháng 6/2011). Hiện nhiều khách hàng như Philippines, Indonesia, Bangladesh… đang tích cực đặt mua gạo Việt Nam. Dự báo, năm nay cả nước sẽ xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, duy trì vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Thái Lan. Dù đơn hàng nhiều, song các doanh nghiệp không có lãi, vì giá gạo trong nước tăng cao. Còn với nông dân, dù giá lúa tăng cao, nhưng lợi nhuận thu về lại không tăng tương ứng, do giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nâng cao giá gạo xuất khẩu đang là đòi hỏi cấp bách để người dân và doanh nghiệp giải bài toán lợi nhuận. Cơ hội để Việt Nam xuất khẩu gạo giá cao là rất khả quan, khi các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản… liên tiếp phát tín hiệu muốn nhập khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, thâm nhập được những thị trường này không đơn giản. Theo ông Lê An Hải, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, năm 2011, Hàn Quốc có kế hoạch nhập khẩu 347.658 tấn gạo (gạo lứt, gạo tấm và gạo trắng). Để có tên trong danh sách dự thầu cung cấp gạo cho Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải có kinh nghiệm xuất khẩu bằng, hoặc hơn số gạo đăng ký dự thầu trong 2 năm gần nhất (do Đại sứ quán Hàn Quốc xác nhận); phải tham gia đấu thầu theo hình thức đấu thầu điện tử; hồ sơ đăng ký dự thầu phải nộp với Tổng công ty Thương mại nông - thủy sản Hàn Quốc… Như vậy, để xuất được gạo sang Hàn Quốc, yêu cầu đặt ra trước hết là doanh nghiệp nắm được kỹ năng tham gia đấu thầu điện tử. Điều này quá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam thừa nhận: “Từ trước tới nay, chúng tôi toàn đấu thầu trực tiếp, chưa tham gia đấu thầu điện tử bao giờ, chưa rõ hình thức đấu thầu điện tử ra sao”. Tương tự, mới đây, Nhật Bản cũng muốn nhập khẩu 250.000 tấn gạo của Việt Nam, nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, khả năng đáp ứng nhu cầu này là rất khó. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng khẳng định, một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là doanh nghiệp Việt Nam chưa am hiểu tốt thị trường Nhật Bản, cũng như cách thức kinh doanh hiện đại của nước bạn. Một rào cản nữa khiến gạo Việt Nam chưa thâm nhập được các thị trường khó tính là do chất lượng không đồng đều. Bà Hoa cho biết, trước đây, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã từng xuất gạo sang Hàn Quốc, nhưng sau đó, không xuất nữa do các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu đặt ra ngày càng khắt khe. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hạt gạo xuất khẩu sang Nhật phải đạt hơn 500 chỉ tiêu về chất lượng. Nếu hàng xuất khẩu sang Nhật mà vi phạm, doanh nghiệp sẽ phải nộp phạt. Đây là lý do khiến doanh nghiệp nước ta nhất loạt không dám xuất khẩu sang thị trường này, sau khi một lô hàng bị phạt vì phát hiện dư lượng kháng sinh cao quá mức cho phép. Hiện thị trường gạo giá cao này đang rộng cửa, nhưng doanh nghiệp nước ta vẫn rụt rè. Trước sự e ngại của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, đại diện Công ty Daewoo International (công ty nhập khẩu gạo lớn nhất Hàn Quốc) khuyến khích các doanh nghiệp cần tự tin để nâng cao chất lượng xuất khẩu. Đơn cử, trước đây, gạo Pakistan có chất lượng kém hơn gạo Việt Nam, nhưng nhờ sự phối hợp và nỗ lực tốt, đến nay, gạo Pakistan đã xuất khẩu suôn sẻ vào Hàn Quốc. Bài học tương tự cũng đã được doanh nghiệp nước ta thực hiện thành công tại thị trường Hongkong. Trước đây, thị trường gạo cao cấp ở Hongkong hoàn toàn do Thái Lan nắm giữ. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã vượt lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu sang thị trường này, do chất lượng không thua kém mà giá lại rẻ hơn. Rõ ràng, nếu có định hướng rõ ràng về xuất khẩu gạo cao cấp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận phương thức kinh doanh, đấu thầu mới, cộng thêm sự nỗ lực của doanh nghiệp, chắc chắn, gạo Việt Nam sẽ không chỉ là thương hiệu nổi tiếng về giá cả.
VIR