Nhà đầu tư nên “neo” danh mục của mình vào những cổ phiếu thật sự có nền tảng cơ bản ổn định |
Tính đến hiện tại, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% - một mức tăng dù khiêm tốn nhưng cho thấy sự lạc quan vừa phải của thị trường. Câu hỏi lớn hơn trong lúc này là điều gì đang chờ đợi thị trường trong tháng cuối cùng của năm?
Trong phiên đầu tuần này, thị trường mất mốc 600 điểm, phiên giao dịch tiếp đó, VN-Index mất hơn 6 điểm với yếu tố được cho là “sốc”, khó hiểu nhất là VNM giảm điểm sâu nhưng khối ngoại vẫn bán “ầm ầm”.
Phiên 24/11, VNM bị lùi về mức 121.000 đồng/CP, giảm 4,72% so với tham chiếu, thanh khoản cao với tổng giá trị giao dịch lên tới gần 318,4 tỷ đồng, mức kỷ lục chưa từng thấy. Riêng phiên chiều, VNM chịu sức ép bán của 1,34 triệu cổ phiếu, tương đương 164,5 tỷ đồng.
Đây rõ ràng không phải là thời điểm để quá mạo hiểm và do đó nhà đầu tư nên cố gắng “neo” danh mục của mình vào những cổ phiếu thật sự có nền tảng cơ bản ổn định, hạn chế việc bám theo các nhóm hàng đầu cơ có độ biến động cao trên thị trường.
Đối với khối ngoại, tổng khối lượng VNM bị xả là 364,930 đơn vị, tương đương gần 45,3 tỷ đồng. VNM bị bán ròng hơn 27,6 tỷ đồng, chiếm trên 14% thanh khoản. Với diễn biến thị trường như vậy, nhiều NĐT cảm thấy khó chịu, còn CTCK thì thận trọng và “bàn bạc” với nhau kỹ hơn. VN-Index gần mất mốc 590 điểm, thị trường sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index sau khi tiếp cận khu vực 615 điểm đã điều chỉnh trở lại đáng kể và hiện đã quay về bên dưới “mức tâm lý” 600 điểm (593,83 điểm). Thanh khoản dù vậy lại có diễn biến trái ngược khi gia tăng khá mạnh trong giai đoạn này, cho thấy mức độ hoạt động mạnh hơn của dòng tiền.
Dưới góc độ kỹ thuật, ông Lâm cho rằng, vùng giá hiện tại của VN-Index là khá “nhạy cảm”. Khu vực hỗ trợ quan trọng dành cho VN-Index tại ngưỡng 590 - vùng di chuyển của MA trung hạn và cũng là mốc để xác định liệu xu hướng tăng hiện nay của VN-Index có được bảo lưu hay không.
Nếu trong các phiên tới, vùng giá này bị phá vỡ một cách rõ rệt (sự xâm phạm xuất hiện trên hai phiên liên tiếp), triển vọng thị trường trong giai đoạn sau đó sẽ tiêu cực hơn đáng kể. Cụ thể, khi đó VN-Index sẽ đánh mất xu hướng tăng và chuyển sang trạng thái giảm trong ngắn hạn với mục tiêu giá có thể quay về các vùng quanh 560 điểm.
Trong một kịch bản tích cực hơn, nếu vùng hỗ trợ 590 điểm được bảo vệ thành công trong các phiên tới, VN-Index sẽ có khả năng tiếp tục xu hướng tăng hiện tại và thử thách gần nhất khi đó chính là vùng đỉnh cũ - mức 615 điểm.
Dường như nhiều người nghiêng về kịch bản này, nhưng xác suất để điều tích cực xảy ra chỉ cao hơn nếu đà bán ròng của khối ngoại sớm chấm dứt trong các phiên tới và thị trường không có những thông tin vĩ mô quá đột biến (theo hướng tiêu cực).
Lo ngại của thị trường trong ngắn hạn cũng liên quan đến tình hình tỷ giá. Tỷ giá đang tiếp tục có dấu hiệu nóng hơn, giá USD tự do hiện giao dịch ở mức 22.630 đồng, tăng 30 đồng so với phiên cuối tuần, vượt trần tỷ giá là 22.547 đồng.
Giá USD đang có dấu hiệu tăng trở lại có thể là do: nhu cầu USD cho các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ thường có xu hướng tăng vào cuối năm; giá USD trên thị trường ngoại hối quốc tế đang có xu hướng mạnh hơn so với rổ ngoại tệ lớn do lo ngại FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12.
Với các đánh giá nêu trên, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư duy trì một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt, nhưng việc mở thêm các vị thế mua mới nên dần được hạn chế. Việc giảm thêm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ sẽ là cần thiết nếu thị trường lựa chọn kịch bản tiêu cực đã nêu bên trên.
Về việc lựa chọn cổ phiếu, đây rõ ràng không phải là thời điểm để quá mạo hiểm và do đó nhà đầu tư nên cố gắng “neo” danh mục của mình vào những cổ phiếu thật sự có nền tảng cơ bản ổn định, hạn chế việc bám theo các nhóm hàng đầu cơ có độ biến động cao trên thị trường.