Đây là tín hiệu tốt đẹp đối với Thái Lan khi nước này đang nỗ lực nối lại đàm phán FTA với EU, sau khi hiệp định thương mại giữa EU với Việt Nam đã hoàn tất thành công. EU đã giảm bớt sự quan tâm đối với Thái Lan khi trì hoãn đàm phán thương mại và đầu tư với nước này từ năm 2014. Cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Thái Lan được coi là có thể mang một luồng gió mới về quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây và quá trình đàm phán FTA với EU có thể được bắt đầu trở lại.
EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thái Lan về nhập khẩu và xuất khẩu. Sau khi ngừng đàm phán FTA với Thái Lan năm 2014, EU đã theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia ASEAN khác, đã ký FTA với Singapore, và tiếp tục thông qua việc ký FTA với Việt Nam vào ngày 30/6. Trong khi các chi tiết của FTA Thái Lan-EU còn lâu mới được quyết định, hiệp định này chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn trong các sản phẩm nhập khẩu của EU và xuất khẩu hàng hóa Thái Lan sang thị trường chung châu Âu. Khung thời gian chính xác cho các cuộc đàm phán rất khó xác định, Brussels sẽ mất vài tháng để đưa ra quyết định, nhưng điều đó cũng phụ thuộc vào cách tiến hành của chính phủ mới ở Thái Lan. Thông thường phải mất vài tháng để nối lại đàm phán phải sắp xếp mọi thứ và có các cuộc họp chuẩn bị. FTA của EU với Hàn Quốc mất khoảng hai năm để đàm phán, trong khi các quốc gia khác mất tới 10 năm đàm phán. Vì các cuộc đàm phán FTA với Thái Lan đã bị trì hoãn trong 5 năm, vòng đàm phán mới về cơ bản sẽ là một khởi đầu mới, với các cuộc đàm phán trong quá khứ khó có thể có bất kỳ liên quan nào đến các cuộc thảo luận mới.
Mục tiêu chính của tất cả các cuộc đàm phán thương mại của EU là tự do hóa việc tiếp cận thị trường châu Âu bằng cách giảm sự bảo hộ đối với hàng nhập khẩu châu Âu. Vì Thái Lan là một quốc gia khá bảo hộ nên có khá nhiều nội dung để đàm phán. Một điểm đàm phán quan trọng sẽ là sự công nhận các sản phẩm chỉ dẫn địa lý (GI) như Parma ham và phô mai Feta. Thái Lan công nhận GI cho rượu vang và rượu mạnh, yêu cầu rượu vang có nhãn rượu sâm banh đến từ Champagne, Pháp. EU muốn mở rộng quy định này để bao gồm các sản phẩm thực phẩm khác, vì vậy bất kỳ loại phô mai Feta nào được bán ở Thái Lan đều phải đến từ Hy Lạp. Thái Lan có bốn sản phẩm GI được đăng ký ở châu Âu, gồm hai loại gạo và hai loại hạt cà phê. Rõ ràng FTA có thể giúp cho nhiều sản phẩm Thái Lan đã đăng ký, chẳng hạn như rượu vang được sản xuất tại Khao Yai.
Cùng với hàng hóa, EU muốn thấy mở cửa ngành dịch vụ thông qua FTA. Các sản phẩm của EU chủ yếu cạnh tranh do các dịch vụ phụ trợ tốt, như tài chính, logistics và đào tạo cho các sản phẩm phức tạp. Đối với các máy móc như máy bay, một số mặt hàng xuất khẩu chính của EU, lĩnh vực dịch vụ được kết hợp với thương mại hàng hóa. Các công ty EU đã đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực này mà không có FTA, đáng chú ý nhất là với kế hoạch của Airbus để thành lập dự án bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu trị giá hàng tỷ baht cho máy bay phản lực tại sân bay U-tapao. Dự án này là một liên doanh với Thai Airways và một phần của kế hoạch Hành lang kinh tế phía Đông (EEC). Châu Âu cũng muốn một điều khoản cho phép người châu Âu và các công ty châu Âu trở thành cổ đông lớn trong các công ty Thái Lan.
Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa EU và Thái Lan bị đóng băng, EU vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng kinh tế đối với Thái Lan, thậm chí còn thúc đẩy cải cách và thay đổi quy định. Ví dụ đáng chú ý nhất là áp lực của EU khiến Thái Lan tăng cường các quy định đánh bắt cá bất hợp pháp. Vào năm 2015, EU đã cấp "thẻ vàng" cho ngành thủy sản của Thái Lan, đe dọa sẽ cấm nhập khẩu thủy sản từ Thái Lan nếu không thay đổi chính sách đánh bắt cá bất hợp pháp. EU là nhà nhập khẩu thủy sản Thái Lan lớn thứ ba và năm 2017 đã nhập khẩu 465,6 triệu USD hải sản từ Thái Lan. Mối đe dọa mất một trong những đối tác thương mại thủy sản lớn nhất đã thúc đẩy Thái Lan đưa ra các biện pháp theo dõi kỹ thuật số tàu đánh cá và tăng cường các nỗ lực thực thi bằng cách kiểm tra nhiều tàu thuyền ra biển. Những biện pháp này làm hài lòng EU và thẻ vàng đã bị thu hồi trong năm ngoái.