Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước siêu bão YAGI
Không để thiệt hại về người và tài sản
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 – siêu bão YAGI chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, các đơn vị, địa phương tại tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lực lượng, phương tiện thường trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động lên phương án xử lý các tình huống tại chỗ và cơ động có thể xảy ra.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện số 18 yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Trong sáng và trưa 6/9, người dân TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hò nhau kéo thuyền lên đường để tránh bão số 3. (Ảnh: Quách Du) |
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo 4 Đài Thông tin báo bão thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức bắn pháo hiệu khi có lệnh; tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động vào nơi tránh trú an toàn; phối hợp giúp đỡ người dân phòng chống thiên tai, di dời tàu thuyền, lồng bè đến nơi an toàn.
Đơn vị cũng chỉ đạo các đơn vị tuyến biển và Cơ quan Bộ Chỉ huy duy trì 100% quân số thường trực, sẵn sàng cơ động chi viện, xử lý tình huống tại chỗ khi có tình huống xảy ra; tổ chức lực lượng xuống địa bàn giúp dân phòng chống thiên tai; duy trì tàu và xuồng trực sẵn sàng cơ động.
Trong sáng nay (6/9), ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại các huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiểm tra công tác thu hoạch lúa mùa tại huyện Triệu Sơn. (Ảnh: Minh Hiếu) |
Qua nắm bắt tình hình thực tế và nghe báo cáo, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý, để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và bảo đảm tuyệt đối về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, trước hết cần làm thật tốt công tác tuyên truyền cho mọi người, mọi nhà thấy được quy mô, sức ảnh hưởng và hậu quả mà cơn bão YAGI có thể gây ra.
Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống bão với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Khẩn trương rà soát lại các khu vực xung yếu để sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho Nhân dân khu vực bị ảnh hưởng. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở và các công trình công cộng như: công sở, trường học, trạm y tế; kịp thời cắt tỉa các cành cây có nguy cơ mất an toàn, dễ gãy trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp với ngành điện lực triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trước cơn bão số 3. Tập trung tuyên truyền cho người dân chủ động bảo vệ lúa mùa bằng các phương pháp truyền thống nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại.
Tại huyện Hoằng Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng các thành viên trong đoàn đã kiểm tra thực tế tại Cảng cá Hoằng Trường, khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường và khu vực biển xâm thực thuộc thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ.
Di dân khởi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét
Với đặc thù địa hình phức tạp, hiểm trở, chủ yếu là rừng núi, huyện Quan Hóa cũng như các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các khu vực không đảm bảo an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chính quyền huyện Quan Hóa đã cắm biển các vị trí có nguy cơ sạt lở đất để cảnh báo người dân. (Ảnh: QH) |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, cơn bão YAGI là siêu bão rất mạnh, có cường độ và sức gió cấp 17 độ, rủi ro thiên tai rất cao, địa phương luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với bão đã được phê duyệt.
“Chúng tôi đã kiểm tra, rà soát rất kỹ các vị trí ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ sạt lở khi có mưa lũ. Đối với UBND các xã có khu vực nguy cơ sạt lở cao cần kiểm đếm chặt chẽ số nhân khẩu, hộ khẩu thuộc các khu vực nguy hiểm, giữ vững thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Đồng thời luôn thông tin kịp thời, đầy đủ đến người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Nghiêm cấm không để người dân ngủ lại tại các lều ao, chòi canh cạnh các suối, các chân đồi núi có thảm thực vật mỏng hoặc có địa chất không ổn định để tránh lũ quét, sạt lở đất vùi lấp. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có 2 nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra”, bà Nga cho biết.
Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cùng cán bộ huyện Quan Hóa kiểm tra, đánh giá tình hình tại bản Đỏ, xã Phú Thanh. (Ảnh: QH) |
Để cảnh báo người dân, huyện Quan Hóa cũng đã tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết có nguy cơ sạt lở đất đá; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Còn tại huyện Mường Lát, ông Trịnh Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát thông tin, hiện tại trên địa bàn huyện chưa xuất hiện mưa, địa phương cũng đã triển khai đầy đủ các phương an để phòng chống lụt, bão.
Lực lượng chức năng di chuyển hộ dân thuộc huyện Quan Hóa nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh bão. (Ảnh: QH) |
“Trong sáng nay, huyện đã họp Ban Thường vụ, họp Ủy ban, họp Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên xuống các xã, yêu cầu các xã rà soát, đánh giá các điểm nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét; lên phương án cụ thể, chi tiết từng hộ, từng bản. Theo nhận định, đánh giá tình hình bão thì lo lắng nhất là sau bão sẽ có hoài lưu, gây mưa lớn, có nguy cơ sạt lở”, ông Thế trao đổi với phóng viên.