Giảm tai nạn giao thông: Phải siết cả xe tải! Thông điệp kéo giảm tai nạn giao thông cho trẻ em |
Lắp gồ giảm tốc sẽ giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng tình trạng người tham gia giao thông phóng anh, vượt ẩu ở các tuyến phố trong nội thành, khu dân cư ở TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây lo lắng, bức xúc cho người dân. Trước thực trạng này, nhiều tuyến phố trên địa bàn TP. Thanh Hóa đã góp tiền để lắp đặt gồ giảm tốc, nhằm hạn chế tốc độ của người tham gia giao thông, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Đình Như cho hay, từ khi các hộ dân trong phố đồng thuận, góp tiền để lắp gồ giảm tốc thì tình trạng phóng nhanh vượt ẩu đã giảm đáng kể. |
Ông Nguyễn Đình Như, sống tại phố Lê Ngân, hường Đông vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: “Phố Lê Ngân (trước đây gọi là đường 4 Đông Phát) dài khoảng 200 m, kết nối với nhiều tuyến phố nên số lượng xe ô tô, xe máy tham gia giao thông rất nhiều. Đáng nói, khi tham gia giao thông nhiều người đã không chấp hành quy định về tốc độ, chạy xe ô tô, xe máy với tốc độ cao khiến người dân trong phố không khỏi lo lắng. Từ khi các hộ dân trong phố đồng thuận, góp tiền để lắp gồ giảm tốc thì tình trạng phóng nhanh vượt ẩu đã giảm đáng kể, trẻ nhỏ và người già tham gia giao thông cũng yên tâm hơn”.
Còn ông Hoàng Văn Tuấn, sống tại phố Lê Ngân cho rằng: “Việc lắp đặt gồ giảm tốc là cần thiết, buộc người tham gia giao thông phải giảm tốc độ mỗi khi đi qua tuyến phố, khu dân cư. Đây là giải pháp làm giảm thiểu rủi tai nạn giao thông, bảo đảm sự bình yên cho người dân trong phố. Các gồ giảm tốc được các công ty sản xuất, lắp đặt đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép”.
Theo quan sát của phóng viên, không chỉ phố Lê Ngân, mà nhiều tuyến phố khác trên địa bàn TP. Thanh Hóa cũng đã được người dân góp tiền để lắp đặt gồ giảm tốc nhằm bảo đảm an toàn cho chính mình và người thân, như đường 3, đường 5 phố Đông Phát, phường Đông Vệ cũng đã được người dân góp tiền lắp gồ giảm tốc nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông.
Đường 5, phố Đông Phát, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa lắp gồ giảm tốc để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông |
Ông Lê Minh Sơn, cán bộ Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, sống tại phố Đông Phát, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: “Các tuyến đường 3, đường 5 phố Đông Phát và phố Lê Ngân đều có giới hạn tốc độ dưới 60 km/giờ nên người dân đồng thuận, góp tiền để lắp đặt gồ giảm tốc nhằm giảm rủi ro tai nạn giao thông là đúng với quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam”.
Khuyến khích người dân lắp đặt gồ giảm tốc
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Thanh Hóa cho biết: “Quan điểm của thành phố là ủng hộ người dân lắp gồ giảm tốc để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông. Việc lắp đặt phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo Luật Giao thông đường bộ. Lắp đặt gồ giảm tốc chỉ nằm ở các khu nội bộ, tuyến phố và khu dân cư”.
Người tham gia giao thông đã chủ động giảm tốc độ mỗi khi qua gồ giảm tốc |
Còn ông Lý Văn Thích, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Quyết định 6500/QĐ-TCĐBVN, ngày 28/12/2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy định, các tuyến đường nội bộ trong các khu đô thị có tốc độ dưới 60 km/h có thể xem xét để lắp gồ giảm tốc để giảm tốc độ của người tham gia giao thông”.
Tại Quyết định số 6500/QĐ-TCĐBVN, ngày 28/12/2020 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam quy định về việc “Công bố tiêu chuẩn cơ sở đối với gồ giảm tốc trên đường bộ - yêu cầu thiết kế”.
Theo đó, gồ giảm tốc được khuyến cáo bố trí để giảm tốc độ các phương tiện đang di chuyển với tốc độ trung bình từ 30 ÷ 40 km/h cưỡng bức giảm tốc độ xuống còn 10 ÷ 15 km/h. Có thể bố trí gờ giảm tốc trên một chiều đường hoặc toàn bộ bề rộng mặt đường. Đối với đường có dải phân cách giữa là dải cứng, gờ giảm tốc được bố trí trên chiều đường cần cưỡng bức giảm tốc độ.
Không bố trí gồ giảm tốc trên đường cao tốc hoặc các tuyến đường có tốc độ khai thác từ 60 km/h trở lên, các đoạn đường thuộc chiều lên dốc lớn hơn 4%, các tuyến đường cho phép xe buýt lưu thông, các tuyến đường nội bộ có xe cấp cứu chờ bệnh nhân hoặc các tuyến đường khác cần ưu tiên tốc độ di chuyển nhưng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe hành khách trên xe.
Việc các tuyến phố, trong khu dân cư được giới hạn tốc độ dưới 60km/h lắp đặt gồ giảm tốc là đảm bảo theo đúng quy định tại Quyết định số 6500 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam. |
Khi bố trí gồ giảm tốc để cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ, cần bố trí biển báo đường có gồ giảm tốc (đối với các đoạn đường trong ngõ xóm, đường nội bộ có tốc độ lưu thông thấp, tùy theo thực tế mà có hoặc không bố trí biển báo này), hoặc cần thiết bố trí thêm gồ giảm tốc để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện trước khi lưu thông qua vị trí đặt gồ giảm tốc.
Kích thước gồ giảm tốc (chiều cao, chiều rộng) được xác định tùy theo thành phần dòng xe, loại xe tải lớn nhất; đồng thời theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh đảm bảo an toàn.
Tại cùng một vị trí cần cưỡng bức giảm tốc độ có thể bố trí một hoặc nhiều gồ giảm tốc liên tiếp để đạt được hiệu quả cưỡng bức cần thiết tùy thuộc chiều dài đoạn đường và tình hình giao thông cụ thể. Khoảng cách giữa các gồ giảm tốc không lớn hơn 150 m.
Như vậy, căn cứ theo Quyết định số 6500 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam thì những tuyến đường phố trong đô thị, khu dân cư mà giới hạn tốc độ dưới 60 km/giờ thì có thể lắp đặt gồ giảm tốc nhằm giảm tốc độ của người tham gia giao thông để giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông.