Bắc Giang: Cần thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động Thanh Hóa: Điều tra vụ mất gần 500 triệu đồng khi tham gia việc làm online |
Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) với hơn 3,7 triệu người. Đặc biệt, dân số trong độ tuổi lao động hơn 2,2 triệu người, trong đó lao động nông thôn chiếm khoảng 78,5%.
Thanh Hoá đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ người lao động. Ảnh: Đài PTTH Thanh Hoá |
Sau thời gian dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn hết sức khó khăn, nhất là khi doanh nghiệp của địa phương chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hoạt động thiếu hiệu quả nên khả năng thu hút lao động không cao. Các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
Đối mặt với khó khăn, nhiều doanh nghiệp gần như phải gồng mình xoay xở để không phải rời bỏ thị trường hoặc thu hẹp quy mô sản xuất chờ thị trường hồi phục. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ... phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm, dẫn đến số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng tới việc làm (bao gồm thôi việc, mất việc làm, giảm giờ làm, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động...) tăng cao. Tính đến ngày 30/4/2023 có 12.728 người bị ảnh hưởng việc làm, trong đó số lao động ở Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là 7.751 người.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, chỉ trong 2 ngày mùng 4 và 5/5/2023, đã có gần 2.900 người đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 377 người đến thực hiện thủ tục lần đầu và gần 2.500 người khai báo hàng tháng. Tính chung 4 tháng đầu năm, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa là 8.540 người, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng tăng này đã phản ánh phần nào tình hình lao động bị mất việc, nghỉ việc trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, trung tâm này đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống và thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do, từ đó tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động.
Cùng với các giải pháp ngắn hạn, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động được địa phương xác định mang tính chiến lược lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với chủ trương này, Thanh Hóa tập trung phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh, tạo ra nhiều việc làm mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông - lâm - ngư nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thanh Hóa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm mới; xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá đề nghị doanh nghiệp cần đẩy mạnh thay đổi cơ cấu thị trường lao động, ưu tiên thu hút lao động có tay nghề và qua đào tạo, hướng đến thị trường lao động chất lượng; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp có biện pháp thiết thực chăm lo cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.
Đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm, cần nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề mới cho người lao động, đưa người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Thanh Hóa đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm tại ngân hàng chính sách xã hội; đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh ngoài. Đồng thời, hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động...
Với những giải pháp đề ra cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hoá kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Hướng tới thực hiện mục tiêu năm 2023 phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm trong nước là 53.000 người và xuất khẩu lao động là 5.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 2,8% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn xuống còn 5,8%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 31,5%.
Theo kế hoạch năm 2023, Thanh Hóa tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 83.080 lao động, trong đó: Tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 48.200 người (trình độ cao đẳng: 3.600 người, trình độ trung cấp: 9.200 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 35.400 người); kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề 34.880 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%.
Ước giai đoạn từ năm 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho hơn 185.000 lao động; thực hiện hỗ trợ cho trên 10.000 dự án vay vốn giải quyết việc làm, giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 20.000 lao động; lao động nông thôn chiếm trên 80%. |