Thành phố Hồ Chí Minh: Làm gì để tăng tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ cao cấp
Thị trường đầu ra cho các lĩnh vực dịch vụ cao cấp còn tình trạng độc quyền, thiếu tính cạnh tranh
Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò là một trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ của cả nước, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
90% doanh thu ngành dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh đến từ các ngành truyền thống, giản đơn; tỷ trọng đóng góp của các loại hình dịch vụ cao cấp còn thấp |
Góp phần làm lên vị thế và khẳng định thương hiệu của thành phố có đóng góp không nhỏ của các loại hình dịch vụ cao cấp.
Theo Tiến sĩ (TS) Hoàng An Quốc – Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 4 lợi thế quan trọng để phát triển khu vực dịch vụ cũng như các lĩnh vực dịch vụ cao cấp có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao, đó là: Vị trí địa lý, truyền thống lịch sử (về kinh tế, văn hóa, xã hội); Cơ sở hạ tầng (kinh tế, kỹ thuật, xã hội); Nguồn lực (vật chất, con người); Trình độ quản lý và công nghệ.
Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ cao cấp của thành phố vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định.
TS Hoàng An Quốc chỉ ra rằng, khu vực dịch vụ nói chung và các lĩnh vực dịch vụ cao cấp nói riêng trên địa bàn TP. HCM trong những năm gần đây tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa vững chắc, tỷ trọng GRDP chưa ổn định, mức độ lan tỏa còn thấp. Cơ cấu kinh tế thành phố về cơ bản vẫn phát triển theo hướng thiên về các ngành công nghiệp, tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ còn khá thấp, thậm chí trong một vài thời điểm còn có sự giảm sút.
Cơ cấu nội bộ khu vực dịch vụ còn nhiều bất hợp lý, các lĩnh vực dịch vụ cao cấp mà thành phố có tiềm năng và thế mạnh vẫn chưa có được một sự phát triển đột phá, tương xứng. 90% doanh thu dịch vụ của thành phố đến từ các ngành truyền thống và giản đơn. Phần đóng góp của các ngành dịch vụ cao cấp có giá trị gia tăng cao còn khá khiêm tốn, thậm chí rất nhỏ bé, tỷ trọng nhóm ngành này trong cơ cấu GDP của thành phố từ năm 1990 tới nay hầu như ít có sự thay đổi.
Thị trường đầu ra cho các lĩnh vực dịch vụ cao cấp chưa hình thành một cách đầy đủ, còn có tình trạng độc quyền, không bình đẳng và thiếu tính cạnh tranh. Thể hiện qua, thị trường đầu ra cho các lĩnh vực dịch vụ cao cấp còn khá hạn hẹp và chuyển biến rất chậm. Trong một số lĩnh vực, hầu như các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vị thế độc quyền. Thị trường xuất khẩu dịch vụ của thành phố còn rất nhỏ bé, lại thường tập trung vào một số nước và lãnh thổ trong khu vực nên độ rủi ro khá cao. Các cơ hội có được từ các hiệp định kinh tế, thương mại song phương và đa phương chưa được tận dụng và khai thác triệt để. Những hạn chế và bất lợi từ các rào cản thuế quan và phi thuế quan chưa được khắc phục....
Ngoài ra, việc khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu vào cho các lĩnh vực dịch vụ cao cấp còn nhiều bất cập và kém hiệu quả. Lao động trong khu vực I và khu vực II còn chiếm tỷ trọng cao, trong khi tỷ trọng lao động khu vực III lại chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng phát triển của khu vực này, chỉ chiếm khoảng 30%. Đặc biệt một số lĩnh vực dịch vụ cao cấp chiếm tỷ lệ quá thấp về lao động, chẳng hạn như: Giáo dục - đào tạo (3 - 4%); Tài chính - ngân hàng (0,9 - 1%); Du lịch (0,5 – 0,6%); Khoa học - công nghệ (0,1%)….
Một góc thành phố Hồ Chí Minh |
Cần thiết lập sân chơi bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ
Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới trở thành một đô thị trung tâm đa chức năng, ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực. Để hiện thực mục tiêu này, TS Hoàng An Quốc cho rằng trong vòng 5 – 10 năm tới thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ hiện đại, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Cơ cấu kinh tế của thành phố trong tương lai sẽ phải có dáng dấp tương đồng với các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển nhất trong khu vực, với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại giữ vai trò chủ đạo, chi phối.
Theo TS Hoàng An Quốc, thành phố Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thiện thể chế và chính sách, thiết lập một sân chơi bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Cần sớm loại bỏ mọi rào cản cơ cấu đối với sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, khuyến khích và thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; xây dựng quy chế xã hội hóa đầu tư với chế độ ưu đãi và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ; tạo sự chuyển biến về chất trong việc đối xử bình đẳng đối với khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện các chính sách ưu đãi - hỗ trợ khu vực dân doanh phát triển mạnh trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ quan trọng; kiến nghị chính phủ cho phép thành phố mở cửa thị trường dịch vụ sớm hơn lộ trình chung của cả nước theo cam kết với các tổ chức kinh tế quốc tế …
Huy động mọi nguồn vốn, tăng qui mô và hiệu quả đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và cần ưu tiên phát triển. Đẩy mạnh việc huy động vốn trong nước, trước hết là nguồn vốn tư nhân; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài; điều chỉnh cơ cấu, tăng cường quản lý,nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành - lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; xây dựng cơ chế quản lý tài chính chủ động - linh hoạt, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của các ngành dịch vụ cao cấp.
Ngoài ra, cần chú trọng thực hiện tái cấu trúc kinh tế gắn với tái cấu trúc nhân lực, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành dịch vụ cao cấp. Tăng cường hợp tác, liên kết trong nước “Trong tương lai gần, vai trò “đầu tàu tăng trưởng” và “hạt nhân liên kết” trong Vùng chỉ có thể được giữ vững nếu TP. Hồ Chí Minh có được một hệ thống các ngành dịch vụ có chất lượng cao, làm điểm tựa cho sự phát triển và liên kết của cả Vùng”; chủ động, tích cực hội nhập khu vực và thế giới; đẩy nhanh việc hội nhập 11 ngành, lĩnh vực ưu tiên; thiết lập mối quan hệ với các tập đoàn xuyên quốc gia.
Triển khai thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng Đề án, ngày 5/8, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng sẽ đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. |