Thanh toán di động- nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại VEPF 2017 |
Xây dựng khuôn khổ pháp lý phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam
Diễn đàn năm nay dự kiến kéo dài trong 4 giờ, gồm 3 phiên thảo luận với gần 20 diễn giả uy tín hàng đầu trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Theo đó, Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Cụ thể, thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán), các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp. Chính phủ cũng cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.
"Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam", Phó Thủ tướng khẳng định.
Chia sẻ kỹ hơn về hoạt động thanh toán di động, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho hay, trong thời gian qua, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, thanh toán di động là một xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết. Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng, tiến bộ của sản phẩm công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động... Đồng thời, nhà quan lý sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Giải quyết các tồn đọng trong thanh toán điện tử
Tham gia tại phiên thảo luận thứ 2 của diễn đàn với chủ đề Phát triển hệ sinh thái cho thanh toán di động ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã đưa ra những đánh giá về môi trường thương mại điện tử hiện nay và dự báo xu hướng thời gian tới trước tác động của hội nhập và toàn cầu hóa. Theo Thứ trưởng Hưng, thương mại điện tử tăng 25-35% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam tương đương với khu vực.
Năm 2016 thương mại điện tử của Việt Nam đạt 5 tỷ USD, và hiện nay pháp lý, hạ tầng dần hoàn thiện. Ngoài ra phấn đấu thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ chiếm 30% trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hoá thì thương mại điện tử của Việt Nam cũng phát triển với công nghệ thế giới như công nghệ 4.0.
Chia sẻ về thanh toán thương mại đa ngành như logistic, hải quan... Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, ở nước ta mặc dù là thương mại điện tử nhưng thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất lớn. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục giải quyết các tồn đọng khi vẫn có tới 89% thanh toán bằng tiền mặt, và mới có 18% thanh toán qua trung gian. Nguyên nhân thanh toán di động còn thấp do liên quan đến niềm tin và nhiều yếu tố khác. Thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích vì giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí... Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các công tác hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thanh toán di động trong thời gian tới - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, tại VEPF 2017, bên cạnh nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngân hàng Nhà nước và các kiến nghị tại VEPF 2016, các bên liên quan sẽ có cơ hội bàn bạc, thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển thanh toán di động (Mobile Payment) trên thế giới, đưa ra những gợi ý lựa chọn, áp dụng mô hình phát triển hệ sinh thái Mobile Payment phù hợp với thực tế Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện (Financial Inclusion) tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.