Kế hoạch đầu tư chưa phù hợp với kế hoạch tài chính
Một trong đó là việc triển khai và ban hành chính sách. “HĐND thành phố phê duyệt kế hoạch điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 chưa phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm 2021 – 2025” - Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Cụ thể, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 được HĐND TP. Hà Nội phê duyệt tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 7/12/2020, trong đó: Tổng chi ngân sách địa phương là 613.719.496 triệu đồng (chi phí đầu tư phát triển 299.189.621 triệu đồng).
Qua thanh tra công tác quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, hạn chế, tồn tại. |
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được HĐND thành phố phê duyệt lần đầu theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021, trong đó: Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 304.799.654 triệu đồng.
“Sau các lần điều chỉnh đến năm 2023, tổng vốn đầu tư công trung hạn là 339.600.248 triệu đồng, cao hơn tổng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch tài chính 5 năm là 40.410.627 triệu đồng”, Thanh tra Bộ Tài chính xác định.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, thời điểm thanh tra (tháng 12/2023), HĐND thành phố chưa xem xét điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 cho phù hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Nội dung thứ 2 là việc HĐND TP. Hà Nội giao UBND thành phố và HĐND cấp huyện quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thanh tra Bộ Tài chính dẫn quy định tại khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 cho biết, quy định HĐND cấp tỉnh quyết định không cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công sang năm sau.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Tài chính, ngày 8/12/2021, HĐND TP. Hà Nội ban hành Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP. Hà Nội năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Trong đó, tại điểm d, khoản 1, Điều 8 quy định “giao UBND thành phố ban hành quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án sử dụng ngân sách thành phố và ngân sách thành phố hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công năm 2019 và Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất”; tại khoản 2, Điều 8 quy định “giao HĐND cấp huyện xem xét, quyết định chuyển nguồn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 có nhu cầu kéo dài sang năm 2022”.
“Việc HĐND TP. Hà Nội giao UBND thành phố và HĐND cấp huyện quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là không đúng theo quy định tại khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019", Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Hàng trăm cơ sở nhà, đất chưa xác định giá trị
Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc UBND TP. Hà Nội chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương sắp xếp 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước sắp xếp theo phương án riêng và chưa chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Cụ thể, ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025.
Trong đó, TP. Hà Nội có 18 doanh nghiệp duy trì tỷ lệ 100% vốn nhà nước; 01 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhà nước nắm giữ vốn điều lệ từ 50% đến 65%; 01 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhà nước năm giữ vốn điều lệ từ 50% trở xuống; 23 doanh nghiệp thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm 2024 – 2025; 4 doanh nghiệp cổ phần không thực hiện thoái vốn đến hết năm 2025 và 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện theo phương án riêng, gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Công ty cổ phần Hanel, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long phải xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương sắp xếp đối với từng doanh nghiệp trong quý I năm 2023.
“Thời điểm thanh tra là tháng 12/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 nhưng chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương sắp xếp đối với 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng”, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Vẫn theo Thanh tra Bộ Tài Chính, thời điểm thanh tra là tháng 12/2023, UBND TP. Hà Nội chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2022 – 2025 làm căn cứ triển khai thực hiện theo đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 2/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc UBND TP. Hà Nội chưa xử lý, sắp xếp 278/803 cơ sở nhà, đất chưa xác định giá trị hiện đang giao doanh nghiệp quản lý và chậm phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đáng chú ý, trong đó có 6 cơ sở nhà đất đã được thành phố bán chỉ định và người mua đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc nộp vào tài khoản tạm thu của Sở Tài chính số tiền 74.967 triệu đồng; do vướng mắc về thủ tục bán tài sản công theo hình thức chỉ định phải tạm dừng nhưng chưa được thành phố xử lý dứt điểm.