Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho người dân vùng bão lũ Bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp cho người bệnh nếu thiếu thuốc |
Trong chương trình thảo luận tại tổ vào chiều 24/10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị mở rộng đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ, đóng bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Dũng – đoàn thành phố Hải Phòng, thực hiện Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, cùng với đó Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng (khoản 4 Điều 2)… Thực tế, tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ, nhưng thân nhân dân quân thường trực chưa được mua thẻ bảo hiểm y tế bằng ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng góp ý tại tổ vào chiều ngày 24/10 (Ảnh: Thu Hường) |
“Hiện, Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng về chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ trong đó có quy định thân nhân của dân quân thường trực được tham gia bảo hiểm y tế như đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tại ngũ”- đại biểu Nguyễn Đức Dũng cho hay.
Đại biểu đề nghị: Bổ sung đối tượng thân nhân của Dân quân tự vệ được mua bảo hiểm y tế bằng ngân sách nhà nước vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, để đảm bảo tính thống nhất, tương đồng với quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Góp ý tại tổ, đại biểu Ma Thị Thúy – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đồng tình nhất trí cao với dự thảo Luật Bảo hiểm y tế, nhất là chuyển tuyến đối với bệnh hiểm nghèo, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế… Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị chuyển đối tượng người hoạt động không chuyên trách vào nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng hiện nay có tình trạng thiếu một số thuốc, vật tư y tế nên nhiều người bệnh phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế thanh toán. Nội dung này Bộ Y tế đã có Thông tư 22/2024/TT-BYT tháo gỡ, giải quyết, tuy nhiên theo đại biểu Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2025, mặt khác việc thanh toán chi phí bảo hiểm y tế theo Thông tư này phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho người dân, đồng thời cơ sở khám chữa bệnh cũng phát sinh khối lượng công việc lớn do phải đối chiếu giấy tờ chúng từ, danh mục thuốc…
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị bổ sung một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã được quy định trong Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ bao gồm: Đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chiều ngày 24/10 các đại biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: Thu Hường) |
Góp ý tại tổ, đại biểu Trần Quốc Tuấn – đoàn Trà Vinh đề nghị cần Luật hoá quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Tuấn cho biết, nhiều cử tri và nhân dân đang rất quan tâm đến vấn đề vẫn còn tình trạng thiếu vật tư y tế tại một số bệnh viện, nhiều trường hợp bệnh nhân phẫu thuật, người nhà phải tự mua thêm vật tư theo chỉ định.
“Vấn đề này nhiều cử tri than phiền và cho rằng khi tình trạng này còn xảy ra thì lúc đó "quyền lợi" của các bệnh nhân bảo hiểm y tế chưa được bảo đảm vì nó ảnh hướng lớn đến chất lượng khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân"- đại biểu Tuấn cho hay.
Theo đại biểu Tuấn, nội dung này cũng đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ra trong báo cáo số 918 ngày 16/10, gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Hai ngày sau, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22, quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này đã cơ bản giải quyết được vân đề cử tri quan tâm như đã nêu trên.
Nhưng đại biểu cho rằng, đây là nội dung có liên quan đến chủ trương, chính sách bảo hiểm y tế của Đảng, Nhà nước đã đề ra và cũng là nội dung rất quan trọng, liên quan nhiều đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế nên cần phải được luật hoá để đảm bảo tính ổn định lâu dài của cơ chế chính sách này, thay vì chỉ quy định bằng Thông tư.
Do đó, đại biểu Tuấn đề nghị: “Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh".
Đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Có như thế mới thể hiện rõ quan điểm và đường lới của Đảng về bảo hiểm y tế”