CôngThương - Theo Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18/7/2007 về sản xuất và kinh doanh thuốc lá, sản phẩm thuốc lá là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Do đó, thương nhân chỉ được quyền hoạt động kinh doanh sản phẩm khi có Giấy phép kinh doanh bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm thuốc lá, và kinh doanh trong thời hạn cho phép.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thuốc lá được bày bán mọi chỗ, mọi nơi, ai cũng có thể kinh doanh mặt hàng này. Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương, dưới sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (MutrapIII) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo sơ bộ về “Quy hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2010-2020, có xét đến 2025”.
Hai phương án, một mục tiêu
Theo đề xuất của các chuyên gia tư vấn, sẽ có hai phương án quy hoạch để xem xét lựa chọn.
Phương án một đề cập tới việc xây dựng 3 trung tâm phân phối bán buôn sản phẩm thuốc lá cấp khu vực tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Trong đó, với diện tích khoảng 10.000m2 cho mỗi trung tâm, đây sẽ là nơi giúp nhà nước quản lý số lượng hàng hóa ra thị trường. Bên cạnh đó, phương án này cũng tính đến vấn đề tổ chức và sắp xếp lại các đầu mối tiêu thụ bán buôn trên địa bàn các tỉnh, thành trên cơ sở mạng lưới kinh doanh hiện có. Quy hoạch xác định: Giấy phép bán buôn được xác định trên toàn quốc (từ 2 tỉnh trở lên) theo nguyên tắc với đô thị loại I và loại II không quá một giấy phép bán buôn trên 300.000 dân.
Phương án này sẽ thực hiện theo lộ trình gồm hai giai đoạn. Giai đoạn I từ 2011-2015: giữ nguyên mạng lưới kinh doanh hiện có, xem xét hiệu quả hoạt động của các trung tâm thương nhân bán buôn hiện có để điều chỉnh theo hướng giảm dần đầu mối. Giai đoạn II từ 2016-2020: sắp xếp lại mạng lưới bán buôn tại các địa phương theo hướng hình thành các trung tâm thương mại bán buôn theo 3 miền Bắc - Trung – Nam, các địa phương khác sẽ điều chỉnh mạng lưới bán buôn thuốc lá và cấp mới giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá.
Cùng chung mục đích hạn chế kinh doanh sản phẩm này, phương án hai lại xác định: trước mắt giữ nguyên hệ thống phân phối hiện có, sau đó sắp xếp lại theo từng địa bàn trên cơ sở đề xuất của các nhà cung cấp và cơ quan quản lý. Phương án này cũng thực hiện theo lộ trình hai giai đoạn. Giai đoạn I: từ 2011-2015:Giữ nguyên số lượng thương nhân bán buồn hiện có, không thực hiện cấp mới Giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá, chỉ tiến hành cấp giấy phép bổ sung thêm nơi mua, bán cho những người đã có Giấy phép kinh doanh mặt hàng này. Giai đoạn II (2016-2020): rà soát, sắp xếp lại thương nhân bán buôn thuốc lá trên cơ sở đề xuất của các nhà cung cấp và cơ quan quản lý. Công bố số lượng thương nhân bán buôn được phép kinh doanh trên từng địa bàn, và con số này không lớn hơn số lượng hiện có trong giai đoạn 2011-2015.
Đánh giá về hai phương án này, ông Trương Quang Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng: cả hai đề xuất trên đều theo đúng định hướng của Nhà nước là hạn chế không phát triển thêm đầu mối tiêu thụ bán buôn thuốc lá, tiến tới hạn chế tiêu dùng sản phẩm này
“Thắt chặt” khung pháp lý kinh doanh thuốc lá
Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần lấy ý kiến doanh nghiệp, người tiêu dùng để hoàn thiện thêm khung pháp lý.
Hiện nay, Giấy phép kinh doanh mặt hàng này đang có thời hạn là 5 năm. “Liệu thời gian trên có quá dài không, trong khi các nước khác thường chỉ là 2 năm ?”, ông Nam đặt ra câu hỏi. Hơn nữa, các điều kiện đăng ký kinh doanh bán buôn đã đủ chặt chẽ, khắt khe để hạn chế kinh doanh chưa?
Thực tế, khi thương nhân muốn cấp lại giấy phép kinh doanh do hỏng, rách, nhiều địa phương lại cấp lại theo thời gian khác nhau. Có nơi cấp theo thời gian còn lại trên Giấy phép, nơi lại cấp thời hạn mới 5 năm. Về tình trạng này, ông Trương Quang Hoài Nam khẳng định quan điểm: chỉ được cấp lại theo thời hạn còn lại trên Giấy phép.
Về phía mình, các doanh nghiệp kinh doanh phân phối thuốc lá đều đồng tình với việc đưa ra Quy hoạch nhằm quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ý kiến đánh giá, bổ sung cho các phương án. Trong đó, những mặt được, chưa được của các phương án được doanh nghiệp phản ánh rõ.
Tại phương án một, yêu cầu về diện tích, cơ sở vật chất của ba trung tâm phân phối liệu có khả thi trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay của nước ta?. Tuy nhiên, nếu chọn phương án một, tình trạng đại lý tràn lan sẽ được giải quyết tốt khi có các biện pháp hạn chế mạnh theo dân số, địa lý. Nhờ vậy, quy hoạch kênh phân phối sẽ rất khoa học.
Trong phương án hai, đại diện một doanh nghiệp đồng tình với quan điểm với chủ trương giữ nguyên số lượng thương nhân bán buôn (giai đoạn 2011-2015). Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nên xem xét cho phép cấp thêm giấy phép kinh doanh trong trường hợp các đại lý cũ từ bỏ thị trường.
Thêm vào đó, theo Quy hoạch, với các điều kiện kinh doanh chặt chẽ, nếu đại lý bán buôn nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, phải loại khỏi “cuộc chơi”, cơ quan quản lý nên thông báo sớm để những thương nhân này có thời gian chuẩn bị để chuyển đổi sản phẩm kinh doanh.
Mặt khác, để hoàn thiện chính sách, ông Phạm Kế Nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị nên đưa vấn đề chống thuốc lá lậu vào Quy hoạch. Bởi hiện nay, thuốc lá lậu đang chiếm lĩnh từ 20-25% thị trường. “Nếu chỉ hạn chế sản xuất trong nước mà không giải quyết được nạn thuốc lá lậu, thì lượng tiêu thụ thuốc lá không thể nào hạn chế được”, ông Hiệp bày tỏ.
Hạn chế kinh doanh sản phẩm thuốc lá, giảm tiêu dùng mặt hàng này là chủ trương vô cùng cần thiết, đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Muốn đạt được mục tiêu trên, việc đầu tiên, Việt Nam cần “thắt chặt” khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bán buôn sản phẩm này. Từ đó, làm tiền đề tiếp tục đưa bán lẻ vào khuôn khổ.