Ảnh: Internet
CôngThương - Ba lá bài chiến lược đồng thời cũng là ba ‘‘lão làng’’ của nền chính trị Pháp, vừa được bổ nhiệm là Alain Juppé, Gérard Longuet và Claude Guéant, tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Alain Juppé – Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Tháng 12/2004, Alain Juppé khi đó đang là cựu Thủ tướng (1995-1997), đã bị kết án 14 tháng tù hưởng án treo và một năm cấm ứng cử vì tội "thâm lạm công quỹ". Đây là vụ án liên quan đến việc lạm dụng công quỹ xảy ra trong giai đoạn ông Jacques Chirac làm Thị trưởng Paris (1977-1995). Sau khi mãn án, ông Juppé đã được bầu làm Thị trưởng thành phố Bordeaux vào tháng 10/2006. Đến 14/11/2010 ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ba tháng sau khi được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Alain Juppé đã tham gia chỉ đạo các công việc ngoại giao của Pháp. Chính vì vậy, chức vụ mới của ông-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng không làm mọi người ngạc nhiên.
Hiện tại, Alain Juppé từ nhân vật số một trong chính phủ, sau vài tháng đã trở thành trụ cột của hệ thống chính quyền Nicolas Sarkozy.
Gérard Longuet - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp chính trị, nhưng cuối cùng, Gérard Longuet đã được ngồi lên chiếc ghế mà ông mong đợi từ lâu: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng nghị sĩ vùng Meuse và chủ tịch đảng UMP tại Thượng viện thay thế người tiền nhiệm Alain Juppé.
Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của Gérard Longuet trong Chính phủ Pháp sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 15 năm khiến ông phải rời bỏ vị trí Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trong Chính phủ của Balladur năm 1994. Vụ án liên quan đến khoản tiền ông mua ngôi biệt thự ở Saint-Tropez, và khoản tài trợ bí mật của Đảng Cộng hòa.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu năm 1964 khi tham gia sự kiện Occident cùng với Alian Madelin. Sau đó ông làm việc tại Mặt trận Quốc gia, rồi gia nhập đảng Cộng hòa vào cuối những năm 70.
Với lối diễn dạt sắc xảo và nhiều khi thiếu kiểm soát, ông bị chính phe cánh của Tổng thống Sarkozy đánh giá là ‘‘tự do quá mức’’. Hơn nữa, ông cũng thường bị chỉ trích gay gắt bởi cách nói mỉa mai của mình. Mặc dù không quá ăn ý với Tổng thống trong vai trò cố vấn (2007-2009), nhưng cuối cùng ông cũng nắm được chiếc ghế Bộ trưởng, và trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến nền chính trị Pháp.
Claude Guéant - Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Được mệnh danh là ‘‘phó vương’’ hay ‘‘thủ tướng thứ hai’’, ông là cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Pháp. Sau đó, từ chức vụ Tổng thư ký Tổng thống, Claude Guéant đã quá thành công khi thay thế Brice Hortefeux trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ - vị trí ông thèm muốn từ lâu.
Ông được đánh giá là người chăm chỉ, nghiêm túc, thận trọng và liêm khiết. Nổi tiếng là một Tỉnh trưởng thông minh, Claude Guéant sau đó được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát năm 1994. Từng bị chỉ trích bởi sự độc đoán khi xử lý những vụ tấn công tầu điện ngầm ở Paris năm 1995, nhưng ngay sau đó, thành công trong việc đập tan một mạng lưới khủng bố đã giúp ông lấy lại uy tín.
Năm 2002, Claude Guéant làm việc tại văn phòng Tổng thống rồi chuyển sang Bộ Nội vụ. Dưới sự chỉ đạo của ông, tên Yvan Colonna- kẻ ám sát Tỉnh trưởng Claude Érignac đã bị bắt.
Mọi người gọi Tân Bộ trưởng là ‘‘người đàn ông trong bóng tối’’ bởi ông luôn biết cách làm dịu bớt cơn nóng giận của Tổng thống và cầu nối giữa các Bộ trưởng.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng lớn của ông làm nhiều người khó chịu. Theo chỉ thị của Tổng thống Pháp, ông có thể ‘‘qua mặt’’ Thủ tướng François Fillon hay có thể can thiệp vào những vấn đề ngoại giao ‘‘nhạy cảm’’ gây ức chế cho người đứng đầu Bộ Ngoại giao.