Thầy giáo Dương Văn Kiên (sinh năm 1981, giáo viên dạy toán của Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Đà Nẵng) bén duyên với việc điêu khắc bút chì gần 10 năm. Dù chỉ tranh thủ điêu khắc lúc rảnh rỗi, nhưng đến nay thầy Kiên đã có cho mình vài ngàn tác phẩm điêu khắc “độc nhất vô nhị”. |
Những cây bút hình dạng xích được thầy Kiên điêu khắc trên loại bút chì gỗ, loại điêu khắc này thầy đã hoàn thành hơn trăm mẫu, mỗi mẫu là một loại họa tiết xích khác nhau. |
Độc đáo nhất là tác phẩm “Rồng” được thầy Kiên điêu khắc trên loại bút chì tái chế, loại bút chì có thể uốn dẻo được bằng nhiệt. “Ban đầu, tôi phải uốn cây bút chì cong theo dáng mình muốn, sau đó mới bắt đầu khắc. Đây là những tác phẩm mà tôi thường làm vào mùa hè vì rảnh rỗi, đòi hỏi nhiều thời gian, tâm trí. Những tác phẩm công phu như thế này nếu làm liên tục thì mất khoảng 2 tuần để hoàn thành, nhưng vì làm vào lúc rảnh nên kéo dài vài tháng”, thầy Kiên chia sẻ. |
Đôi chim phượng nghệ thuật được thầy Kiên điêu khắc từ bút chì. Nếu không nhìn kĩ, rất nhiều người lầm tưởng đây là tác phẩm được làm từ nhựa vì sự chi tiết và độ cong vô cùng cao. |
Không chỉ khắc trên thân gỗ bút chì, thầy Kiên còn “mạnh dạn” thử sức điêu khắc trên ruột bút chì, những tác phẩm cực kì nhỏ và độ khó cao, việc này yêu cầu sự tập trung và tính tỉ mỉ. |
Cầu Rồng, biểu tượng của TP. Đà Nẵng được thầy Kiên thể hiện chi tiết bằng ruột bút chì. |
Tác phẩm ổ khóa được thầy Kiên điêu khắc bằng ruột bút chì. Có những loại bút chì đặc biệt, thường được thầy nhờ người mua mang về từ nước ngoài. "Bút chì gỗ được bán ngoài thị trường rất dễ mua, tuy nhiên bút chỉ không vỏ tìm mua rất khó, nếu điêu khắc hỏng sẽ rất khó tìm vật liệu thay thế nên tôi rất cẩn trọng khi điêu khắc”, thầy Kiên cho biết. |
Bộ vũ khí theo thời Tam Quốc được điêu khắc bằng ruột bút chì, những chi tiết được thể hiện vô cùng tỉ mỉ. |
Đáng chú ý trong bộ sưu tập của thầy Kiên là sợi xích đôi từ ruột cây bút chì thợ mộc. Thầy Kiên chia sẻ, khoảng 5 năm trước, thầy đã thử sức điêu khắc 2 sợi xích trên cùng một ruột của cây bút chì, tuy nhiên do tay nghề còn “non”, thầy đã thất bại đến 4 lần, mỗi lần đều tốn khoảng thời gian rất dài, có những lúc tưởng chừng như tác phẩm đã hoàn thành. “Nhận thấy bản thân còn chưa đủ khả năng, tôi đã tạm gác tác phẩm qua một bên. Đến năm 2019, khi tay nghề đủ cứng cáp, tôi đã thử sức lại nhưng cũng phải gãy đến cây bút thứ 3 thì tác phẩm mới chính thức hoàn thành”, thầy Kiên cười. |
Thầy Kiên cũng tự chế tạo riêng cho mình một bộ đồ nghề điêu khắc riêng, phần thân được làm từ vỏ bút chì, bút mực và phần lưỡi được làm từ các vật liệu như lưỡi dao mổ, kim khâu... |
Hộp đựng đồ nghề được thầy “giấu” trong quyển sách cũ trông cũng rất "nghệ". |
Những tác phẩm của thầy đều được đóng hộp tỉ mỉ, thầy thường xuyên dành tặng cho học trò những tác phẩm nghệ thuật này. Ngoài việc tiếp thu kiến thức về Toán học, nhiều học trò còn tìm thầy để học về điêu khắc bút chì. Thầy Kiên đã truyền lại kĩ năng điêu khắc bút chì cho nhiều lứa học trò, nhiều người đã kiếm được tiền từ kĩ năng điêu khắc bút chì này. Ngoài ra thầy còn thành lập Câu lạc bộ điêu khắc bút chì tại TP. Đà Nẵng nhằm chia sẻ đam mê và giao lưu với các học sinh, sinh viên cùng chung sở thích với mình. |