Thị trường bán lẻ: Bắt nhịp xu thế phát triển
Yêu cầu bức thiết
Là một trong những hệ thống phân phối lâu đời trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng và phát triển hệ thống chuỗi siêu thị CHTI Hapromart, Haprofood Seikamart… Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc thường trực Hapro - chia sẻ, để tạo dựng thương hiệu riêng trong tâm trí người tiêu dùng, Hapro đã quan tâm, chú trọng xây dựng bộ sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền của Việt Nam. Thông qua Hapro, hàng loạt các đặc sản vùng miền như: Cam Cao Phong, nhãn Sơn La, vải thiều Thanh Hà, bưởi Diễn, miến dong Bắc Kạn, gà đồi Yên Thế… đã được đưa đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Gần đây nhất, Hapro đã xây dựng bộ nhận diện cho gạo Đồng Tháp, đưa vào quảng bá và kinh doanh tại toàn bộ hệ thống siêu thị của mình.
Cách làm của Hapro là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xác lập thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho chuỗi bán lẻ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ. Tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức ngày 20/3, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2015 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5 - 10,9%. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017 - mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hiện, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%). Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.
Phù hợp với bối cảnh mới
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và tiêu dùng xã hội các nước. Ở Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và DN nước ngoài, giữa kênh bán hàng hiện đại và truyền thống.
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia bán lẻ - sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ; đồng thời, thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh. "Thời gian tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và online. Mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…" - ông Phú cho hay.
Đồng ý kiến, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - cho biết, nhà đầu tư bán lẻ hiểu mình phải thay đổi, linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng, có những hướng đi riêng và cách tiếp cận năng động để làm mới cơ cấu hoạt động và chăm sóc khách hàng. Việc khai thác các dữ liệu lớn (Big Data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)… nếu được ứng dụng và khai thác đúng cách, sẽ không những giúp nhà bán lẻ cập nhật "hơi thở" thị trường, mà còn tối ưu hóa đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số.
Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. |