Việt Nam được lợi gì khi tham gia sâu vào thị trường các bon? Việt Nam phấn đấu tiến đến thị trường các bon đầy đủ |
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch các bon vào năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028.
Hình thành ngành kinh doanh mới
Ông Tăng Thế Cường- Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Tại Việt Nam, phát triển thị trường các bon trong nước là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016”.
“Trước đây, do Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK) nên các doanh nghiệp chỉ trao đổi tín chỉ các bon tự nguyện theo các cơ chế hợp tác với quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2021, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải KNK theo Đóng góp Quốc gia tự quyết định. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris”, ông Tăng Thế Cường chia sẻ.
Việc vận hành thị trường sẽ tạo ra ngành nghề kinh doanh mới và cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi mà Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc trao đổi hạn ngạch khí thải.
Theo Báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, đến nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành CDM phê duyệt và 13 Chương trình hoạt động theo CDM, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ. Trong số này, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn các bon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.
Nhờ đó, Việt Nam đã có được một số kinh nghiệm trong việc thực hiện các hành động giảm nhẹ, cung cấp tín chỉ phát thải cho các nước công nghiệp với giá cả cạnh tranh so với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các hoạt động theo cơ chế CDM cũng đã bị cắt giảm mạnh do ảnh hưởng của sự mất giá tín chỉ phát thải khi các chính sách, cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK có sự bất ổn và không được thực hiện đồng nhất trong giai đoạn 2012-2016. Từ 2016 đến nay, việc thực hiện CDM cũng có dấu hiệu chững lại do tồn tại những khó khăn cho đơn vị thực hiện liên quan đến thủ tục hành chính trong việc cấp thư xác nhận và thư phê duyệt dự án CDM.
Với nguồn lực nội tại, tiềm năng giảm phát thải của các lĩnh vực: Năng lượng (tương ứng là 51,5 triệu tấn CO2 tương đương), nông nghiệp (6,8 triệu tấn CO2), chất thải (9,1 triệu tấn CO2), các quá trình công nghiệp (7,2 triệu tấn CO2). Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lên đến (9,3 triệu tấn CO2 tương đương). Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng, các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) hay các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) cũng có tiềm năng tạo nguồn tín chỉ các bon để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ các bon, cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này, thậm chí mở ra một ngành kinh doanh mới.
Hiện nay, Việt Nam chưa có đơn vị chứng nhận tín chỉ các bon đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các bon rừng từ xây dựng hồ sơ, phê chuẩn hồ sơ dự án phải thông qua các đầu mối nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho các chủ rừng trong việc xác định quyền sở hữu các bon, giao dịch chuyển nhượng quyền các bon, nhận giấy chứng nhận giảm phát thải cũng như cơ chế quản lý tài chính.
Hình thành thị trường các bon tại Việt Nam
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để vận hành thị trường các bon trong nước, giai đoạn từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ các bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng.
Thị trường các bon Việt Nam khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra ngành nghề kinh doanh mới, thu hút các nhà đầu tư. Ảnh minh họa |
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon.
Thị trường các bon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các bon, bù trừ tín chỉ các bon. Để hướng dẫn, triển khai thực hiện, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2030 được chia theo 2 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030.
Các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của quốc gia. Đối với các cơ sở phát thải lớn, trong giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở; trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các bon trên thị trường các bon trong nước.
Theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028. Điều này phù hợp với lộ trình giảm nhẹ phát thải chung và quy định về việc doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi.
Trong giai đoạn thí điểm, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao nhận thức hay bổ sung, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại chính thức khi vận hành.
Từ nay đến khi thị trường chính thức vận hành còn gần 6 năm. Các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực hoàn toàn có đủ thời gian tìm hiểu và có sự chuẩn bị tham gia thị trường. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất; tính toán mức tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh; tính toán mức giảm thải và tiết kiệm năng lượng nếu dự án được triển khai; xây dựng các mô hình dự án đầu tư giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng…