Thị trường đang thiếu động lực đi lên
Giá hợp đồng tương lai của đồng giao tháng 1/2017 (HGF7) tăng 7,61%, giá nhôm (ALF7) tăng 3,82% sau một tuần. Đây là tin vui cho nền kinh tế thế giới nói chung và là tín hiệu tích cực cho sản xuất của Trung Quốc vì đây là quốc gia tiêu thụ đồng nhiều nhất thế giới. Giá tăng có nghĩa là nhu cầu sản xuất đang tăng trở lại và không còn nguy cơ giảm phát.
Giá than và khí ga hóa lỏng tăng mạnh cũng xuất phát từ Trung Quốc. Mùa đông lạnh đến sớm khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng cao, kích thích các nhiên liệu truyền thống như than và khí ga.
Tuần qua, giá hợp đồng tương lai dầu thô giao tháng 1/2017 (CLF7) cũng tăng, mức tăng là 2,52%, do giới đầu tư kỳ vọng Ả rập Xê út sẽ thúc đẩy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong kỳ họp ngày 30/11 tới.
Theo trang tin marketwatch.com, trạng thái bán khống trên thị trường tương lai dầu thô đang khá lớn. Nếu OPEC đạt được thỏa thuận nói trên, giá dầu thô có thể bật mạnh vì nhà đầu tư mua để đóng trạng thái. Chúng tôi nhìn nhận khả năng này khá cao khi nhìn vào xu hướng hàng hóa nói chung, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên và quan trọng nhất là kỳ vọng lạm phát đang lớn dần.
Xu hướng dòng tiền thời gian gần đây cho thấy, dòng vốn đang dịch chuyển sang các nhóm ngành nhạy với lạm phát (bao gồm năng lượng, kim loại, khai mỏ), đồng thời rút khỏi các nhóm ngành nhạy với giảm phát (bao gồm dịch vụ tiện ích, hàng hóa thiết yếu). SPDR S&P Metal and Mining ETF (XME), ETF của State Street Global Advisors đầu tư vào các cổ phiếu kim loại và khai mỏ, tăng giá mạnh 27% so với cuối tháng 10. Trong khi đó, ETF đầu tư vào dịch vụ tiện ích (XLU) và hàng thiết yếu (XLP) mất giá lần lượt 3,14% và 1,7% trong khoảng thời gian tương ứng.
Sự tăng giá mạnh mẽ của giá hàng hóa thúc đẩy những nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lâu đời như Canada, Úc. Chứng khoán Nhật cũng có một tuần giao dịch thành công, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,04%. Đứng trên góc độ tâm lý, chỉ số này bứt phá mạnh mẽ sau khi vượt mốc 17.600 điểm và xác lập xu hướng tăng. Lý do đằng sau Nikkei 225 tăng ấn tượng là đồng Yên giảm giá so với hầu hết các đồng tiền khác giúp kích thích xuất khẩu của Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có mức tăng trưởng GDP tích cực và xuất khẩu đóng vai trò chủ lực.
Sự lạc quan lan tỏa nhưng không phải thị trường nào cũng bứt phá, chứng khoán Việt Nam vẫn đứng tại chỗ trong khoảng 1 tháng gần đây khi không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Các cổ phiếu cốt lõi của VN-Index như VNM, VIC, GAS, FPT, HPG, VCB, MSN chưa thể hiện rõ xu hướng nên chỉ số chứng khoán chỉ đủ sức đi ngang. Đáng chú ý, diễn biến tăng của nhiều nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới nêu trên sẽ làm tăng chi phí nguyên liệu với một số ngành, lĩnh vực như sữa, cao su chế biến, thép và có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng năm sau.
Thị trường đang nóng với một số cổ phiếu lớn sắp lên niêm yết/đăng ký giao dịch. Những mã chào sàn thời gian gần đây thường có tốc độ tăng giá phi mã, thậm chí từ trước khi được giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.
Lợi nhuận cao luôn có sức hút đặc biệt với những “cái đầu nóng”, đó là logic của thị trường cổ phiếu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì quan điểm, thị trường niêm yết đang thiếu động lực đi lên. Mặc dù vậy, trong môi trường tăng yếu hoặc đi ngang vẫn có chỗ cho những nhóm ngành có câu chuyện riêng, cụ thể là những nhóm hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá hàng hóa như cổ phiếu năng lượng, khai khoáng.
Chúng tôi duy trì trạng thái nắm giữ ở những cổ phiếu chất lượng có xu hướng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 2 con số, đồng thời thể hiện được xu hướng tăng giá dài hạn.