Hai mặt hàng dầu biến động trái chiều
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu hôm nay, dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở NYMEX ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,83% lên 81,22 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 2 trên sở ICE giảm nhẹ 0,1% xuống 86,88 USD/thùng.
Các quan chức phía Trung Quốc đang cho thấy những động thái mềm mỏng hơn đối với chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19, bắt đầu với việc cho phép người có nguy cơ nhiễm thấp tại quận đông dân Triều Dương, Bắc Kinh được cách ly tại nhà. Niềm tin về việc quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ sớm mở cửa tiếp tục hỗ trợ cho lực mua đối với dầu thô trong phiên.
Trong khi đó, nguồn cung không chắc chắn đang là mối lo ngại lớn. Theo khảo sát của Bloomberg, 10 thành viên chủ chốt của OPEC tham gia cắt giảm sản lượng đang bơm thấp hơn mức mục tiêu cam kết khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11, vì nhiều thành viên, đặc biệt là Angola và Nigeria đã bị thiệt hại sản xuất ngoài kế hoạch do đầu tư và các gián đoạn trong hoạt động sane xuất. Saudi Arabia vẫn là quốc gia dẫn đầu trong việc cắt giảm, với sản lượng thấp hơn 470.000 thùng/ngày xuống còn 10,44 triệu thùng/ngày trong tháng qua. Đây là mức tương đương với mục tiêu cắt giảm đã được đề ra trong cuộc họp hồi đầu tháng 10.
Trước đó, Reuters cũng đã đưa ra dự báo sản lượng từ 10 thành viên nhóm OPEC đã giảm 720.000 thùng/ngày so với tháng 10, khiến sản lượng thực tế thấp hơn 800.000 thùng/ngày so với mục tiêu tháng 11. OPEC đang thực hiện cắt giảm sản lượng dầu thô nhiều nhất kể từ năm 2020, và điều đó đã mang lại động lực tăng cho giá dầu trong phiên.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho giá là việc Mỹ cũng đang tìm cách tạm dừng hoặc trì hoãn việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược, và tiến tới kế hoạch bổ sung dầu vào kho dầu vốn đang ở mức thấp trong lịch sử.
Tuy nhiên, đà tăng của giá cũng chững lại vào cuối phiên, trước thông tin các quốc gia khu vực Châu Âu (EU) chính thức xem xét mức giá trần đối với dầu thô Nga ở ngưỡng 60 USD/thùng. Nhóm nước G7 cũng cho thấy sự ủng hộ nhất định với khoảng giá này, nhưng hiện tại, dầu Urals của Nga đang được bán chiết khấu với mức khoảng 48 USD/thùng tới vùng Baltic trong tuần qua. Do đó, mức trần giá này được dự đoán cũng sẽ không gây ra quá nhiều thiệt hại tới dòng chảy dầu từ Nga. Giá dầu Brent do đó cũng chịu áp lực bán nhẹ bởi thông tin này.
Giá bạc bứt phá gần 5%
Sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá kim loại với lực mua rất mạnh đối với nhóm kim loại quý. Giá bạc có mức tăng mạnh nhất 4,87% lên 22,84 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,5% lên 1054,9 USD/ounce.
Các mặt hàng kim loại quý nối dài đà tăng trước sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm mạnh về 104,7 điểm, mức thấp kể từ tháng 8/2022, và đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các số liệu kinh tế được công bố trong hôm qua càng củng thêm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sắp tới.
Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng 10, dù vẫn tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức tăng này đã giảm so với tháng 9. Chỉ số PCE lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) cũng có tốc độ tăng chậm hơn so với con số của tháng trước. Đây sẽ là cơ sở để Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản thay vì 75 điểm cơ bản như bốn lần điều chỉnh gần nhất.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử cũng suy yếu trong phiên hôm qua, phản ánh tâm lý e ngại của các nhà đầu tư đối với việc phân bổ vốn vào các thị trường rủi ro. Do đó, giá của cả bạc và bạch kim đều được hưởng lợi khi dòng vốn tìm đến những loại tài sản trú ẩn an toàn mà không phải đồng USD.
So với giá bạc, trước đó cả giá vàng và giá bạch kim đều đã hồi phục rất tốt, lấy lại được những cột mốc quan trọng là 1.800 USD và 1.000 USD. Dòng vốn đã phân bổ cho thị trường vàng và bạch kim trước rồi mới hướng về thị trường bạc sau, nhưng vẫn đủ giúp cho bạc trở thành kim loại quý có mức tăng giá mạnh nhất trong phiên giao dịch hôm qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, các mặt hàng cũng được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD, với giá đồng tăng 2,15% lên 3,81 USD/pound, mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Giá quặng sắt tăng 2,15% lên 101,9 USD/tấn. Theo Shanghai Metal news, các chính sách hỗ trợ cho ngành bất động sản và nới lỏng các hạn chế chống dịch đang củng cố cho triển vọng phục hồi của nền kinh tế, lớn thứ hai thế giới và thúc đẩy sự tăng giá của các mặt hàng kim loai cơ bản.
Bên cạnh đó, lượng tồn kho thấp cũng là một yếu tố khác giúp cho sức mua đối với các mặt hàng như đồng và quặng sắt tăng lên. Dự trữ đồng trên cả ba Sở giao dịch, Sở COMEX, Sở LME và Sở Thượng Hải hiện chưa đạt được 160.000 tấn, thấp hơn mức cần thiết đủ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thế giới trong vòng 1 tuần là 420.000 tấn.
Dầu đậu tương giảm kịch sàn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/12, giá đậu tương đã quay đầu suy yếu và mất đi hoàn toàn mức tăng từ 3 phiên trước đó. Bên cạnh áp lực bán khi giá ở vùng chặn trên của khoảng đi ngang trước đó, đà lao dốc của dầu đậu cũng khiến cho giá đậu tương ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua. Về mặt cơ bản, những thông tin tích cực về mùa vụ tại Brazil cũng góp phần tạo sức ép đối với mặt hàng này.
Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro cho biết, nông dân Brazil dự kiến sẽ thu hoạch khối lượng đậu tương kỷ lục 153,3 triệu tấn trong niên vụ 22/23, tăng 21% so với niên vụ trước. Mức tăng sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Brazil chủ yếu là nhờ sự gia tăng trong diện tích canh tác. Nông dân nước này có thể trồng 43,79 triệu héc-ta đậu tương trong niên vụ 22/23, tăng 762.000 héc-ta so với dự báo hồi tháng 07 của Datagro và cao hơn 1,98 triệu héc-ta so với cùng kỳ niên vụ trước. Triển vọng mùa vụ tích cực và lo ngại về vấn đề hậu cần ở cảng Paranagua được giải quyết đã tạo áp lực lên giá đậu tương.
Trong khi đó, dầu đậu lại là mặt hàng đáng chú ý nhất trong nhóm họ đậu khi giảm về mức kịch sàn. Giá mở cửa đã giảm sâu và lực bán tiếp tục được đẩy mạnh trong suốt phiên giao dịch sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công bố đề xuất khối lượng pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong hỗn hợp nhiên liệu. Cụ thể, quyết định của EPA sẽ yêu cầu các nghĩa vụ pha trộn tổng cộng là 20,82 tỷ gallon vào năm 2023, 21,87 tỷ gallon vào năm 2024 và 22,68 tỷ gallon vào năm 2025. Tuy nhiên, những số liệu trên đã gây ra nhiều thảo luận, đặc biệt là các bên ủng hộ dầu diesel sinh học.
Theo Liên minh Nhiên liệu sạch Mỹ (Clean Fuels Alliance America), mức tăng nhỏ đối với khối lượng dầu diesel dựa trên sinh khối vào năm 2023, 2024 và 2025 thấp hơn mức sản xuất hiện tại của ngành và chưa tính đến các khoản đầu tư đáng kể của ngành nhiên liệu sạch vào công suất mới. Đề xuất trên cho thấy tiêu thụ dầu đậu tương trong diesel sinh học nằm dưới mức kỳ vọng và tạo áp lực lớn lên giá mặt hàng này. Ngược lại, áp lực trái chiều cùng với triển vọng nhu cầu ngành chăn nuôi tích cực hơn từ Trung Quốc trước thái độ mềm mỏng hơn với Chính sách Không Covid là yếu tố khiến cho khô đậu tương vẫn đóng cửa trong sắc xanh.
Giá nông sản nhập khẩu sẽ ổn định trong giai đoạn cuối năm
Theo MXV, quốc gia mua hàng đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm 60% sản lượng nhập khẩu toàn cầu hiện đang có tiến độ nhập khẩu tương đối đáng thất vọng trong năm nay do gánh chịu hậu quả nặng nề từ chính sách Không Covid. Cùng với đó, tình hình xuất khẩu của Mỹ đang dần cải thiện và mùa vụ khó khăn ở Argentina. Điều này sẽ khiến giá nông sản trên Sở Chicago có thể sẽ được hỗ trợ và khó có thể giảm sâu trong quý IV năm nay.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay tại cảng Cái Lân, giá khô đậu tương nhập khẩu được chào bán trong khoảng 14.050 – 14.100 đồng/kg cho kỳ hạn giao các tháng quý I năm sau. Giá ngô Mỹ được chào bán dao động từ 9.050 -9.350 đồng/kg. Theo MXV, chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đang dần bình ổn. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp chăn nuôi và nhà máy nên mua hàng, nhập khẩu và chuẩn bị cho đợt hồi phục của giá nguyên liệu sắp tới.