Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 19/4: Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/4: Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô |
Đóng cửa, có 16 mặt hàng tăng giá và 15 mặt hàng giảm giá. Đà tăng chủ yếu đến từ nhóm nông sản với toàn bộ 7 mặt hàng chốt ngày trong sắc xanh. Trong khi đó, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá cả 3 nhóm còn lại bao gồm nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng. Lực bán mạnh hơn đã kéo chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu 0,38% xuống 2.320 điểm.
Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 6.100 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền tập trung ở nhóm kim loại, chiếm đến 32% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt kéo kim loại quý lao dốc
Kết thúc ngày 22/4, áp lực bán gia tăng đã kéo các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá. Đối với kim loại quý, sau khi trải qua đợt “tăng nóng”, giá bạc và giá bạch kim đều lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần khi căng thẳng hạ nhiệt tại Trung Đông. Chốt ngày, giá bạc để mất 5,54% về 27,24 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 6/2021. Giá bạch kim cũng giảm 1,32% xuống 931,3 USD/ounce mức thấp nhất 3 tuần.
Sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là của Israel vào thứ Sáu tuần trước, Iran cho biết họ vẫn đang điều tra và không có kế hoạch trả đũa. Điều này giúp xoa dịu lo ngại xung đột tiếp tục leo thang tại Trung Đông. Vai trò trú ẩn bị thất thế đã khiến kim loại quý mất đi động lực tăng giá quan trọng.
Thêm vào đó, lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn việc hạ lãi suất kết hợp với đồng USD tăng giá càng khiến kim loại quý chịu sức ép. Xác suất FED hạ lãi suất vào tháng 6 tiếp tục giảm xuống còn 15%, từ khoảng 20% trong tuần trước, theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch. Trong khi đó, chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh, vững vàng neo ở vùng 106 điểm, cao nhất 5 tháng.
Bảng giá kim loại |
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm nhẹ 0,48% sau ba phiên tăng liên tiếp. Một mặt, giá đồng vẫn đang được hỗ trợ nhờ rủi ro nguồn cung siết chặt và triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn khi hoạt động sản xuất dần cải thiện trên toàn cầu. Citigroup dự báo đà tăng hiện tại của giá đồng có thể duy trì trong ba tháng tới và giá đồng trung bình có thể đạt 10.000 USD trong quý II và quý III.
Mặt khác, đồng bạc xanh tăng giá làm tăng chi phí đầu tư cũng khiến giá đồng phải chịu sức ép. Hơn nữa, việc Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay (LPR) khiến nhà đầu tư thất vọng cũng làm suy yếu lực mua đồng trong phiên.
Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt giảm 0,32% xuống 116,08 USD/tấn, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Các nhà phân tích tại Guotai Junan Securities dự đoán sản lượng thép thô của Trung Quốc vào năm 2024 sẽ giảm so với năm 2023 và mức tiêu thụ thép sẽ giảm hơn nữa, gây áp lực lên nhu cầu nguyên liệu thô đầu vào là quặng sắt.
Giá lúa mì cao nhất 2 tháng
Đi ngược xu hướng chung của thị trường, nông sản là nhóm duy nhất ghi nhận đà tăng trong hôm qua (22/4). Trong đó, giá lúa mì dẫn dắt xu nông sản khi tiếp nối xu hướng từ cuối tuần trước, đóng cửa tăng 3,66%, đánh dấu ngày tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Lo ngại nguồn cung sụt giảm tại các quốc gia sản xuất chính là yếu tố hỗ trợ chính cho đà tăng mạnh hôm qua.
Thời tiết tuyết và lạnh ở khu vực Đồng bằng phía Nam của Mỹ vào cuối tuần trước khiến năng suất lúa mì có thể bị thiệt hại. Không chỉ Mỹ, các nước sản xuất lớn của EU, cũng đã trải qua các đợt sương giá nhẹ.
Bảng giá nông sản |
Rạng sáng nay, Bộ nông nghiệp Mỹ đã công bố báo cáo Crop Progress (Tiến độ mùa vụ) cho thấy chất lượng lúa mì vụ đông của Mỹ trong tuần vừa rồi đã giảm mạnh. Chỉ có 50% diện tích được đánh giá tốt trở lên, thấp hơn mức kỳ vọng của giới phân tích là 54%.
Lo ngại không chỉ dừng lại ở Mỹ mà còn bao trùm lên mùa vụ của các nhà sản xuất lớn khác tại châu Âu. Các quốc gia như Pháp, Đức và Ba Lan cũng đã trải qua các đợt sương giá nhẹ vào cuối tuần và ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng năng suất. Vào đầu vụ, EU dự kiến sẽ sản xuất lượng lúa mì thấp nhất kể từ năm 2020 do các đợt mưa lớn đã khiến diện tích gieo trồng thu hẹp. Rủi ro về năng suất tiếp tục khiến nguồn cung sụt giảm mạnh hơn đã thúc đẩy giá lúa mì ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong gần 2 tháng qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước (22/4), tại cảng Cái Lân, giá chào bán lúa mì Úc kỳ hạn giao tháng 5 dao động quanh mức 6.350 – 6.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa mì EU và Nam Mỹ kỳ hạn giao quý II năm nay ở khoảng 6.250 – 6.3000 đồng/kg.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá năng lượng |