Theo kết quả một số cuộc khảo sát do các công ty tuyển dụng lao động công bố từ quý 2 trở lại đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa kịp mừng vì những tín hiệu khả quan của nền kinh tế đã vội lo về việc thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là đội ngũ quản lý, do làn sóng “nhảy việc” thời hậu khủng hoảng. Tình huống khó khăn này lại mở ra cơ hội làm ăn cho các công ty tuyển dụng nhân sự trực tuyến. Thị trường lao động trực tuyến đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ và những xu hướng tuyển dụng mới đang dần hình thành.
Doanh nghiệp cũng như người lao động tại các thành phố lớn hiện khá quen thuộc với các trang web tuyển dụng trong nước như www.VietnamWorks.com, www.kiemviec.com, www.talentnet.vn và những hồ sơ tuyển dụng trên mạng Internet với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, cụ thể đang thay thế dần cho những chồng hồ sơ xin việc dài dòng và mang nặng tính thủ tục bàn giấy.
Phát triển đại trà
Những tiện lợi của dịch vụ tuyển dụng trực tuyến và sự đón nhận rộng rãi của người lao động, đặc biệt là đối tượng người tìm việc trẻ và có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin (CNTT), đã dẫn đến tình trạng các trang web tuyển dụng mọc lên như nấm sau mưa. Thông thường, các trang web về nhân sự khi mới ra mắt thường đăng miễn phí thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, thậm chí còn khuyến mãi bằng cách quảng cáo về doanh nghiệp trên trang web, nhằm gia tăng số lượng “người tìm việc, việc tìm người”.
Tuy nhiên, giải pháp này được giới chuyên gia nhân sự xem là “con dao hai lưỡi”. Hình ảnh và thương hiệu của các khách hàng lớn khi hiện diện trên trang web của các nhà tuyển dụng nhỏ thì sẽ giúp tăng thêm uy tín của nhà cung cấp dịch vụ và tạo thuận lợi cho họ trong việc thu hút thêm khách hàng mới. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng khi duy trì việc miễn phí quá lâu thì phải chịu thua lỗ nhiều, mà đối với một nhà cung cấp dịch vụ mới mẻ trên thị trường thì đây là một thách thức mang tính “sống còn”. Và nếu nhà tuyển dụng không cung cấp dịch vụ đạt yêu cầu của khách hàng thì họ sẽ rời bỏ và không quay lại.
Thị trường càng mở rộng, sự cạnh tranh càng gia tăng, nhất là trên phương diện giá cả dịch vụ. Ngoài sự miễn phí trong một khoảng thời gian nhất định ban đầu, các trang web tuyển dụng có quy mô lớn cũng thường “phá giá” bằng cách chào mời các hợp đồng với giá thấp hơn mức công bố 30-50%. Xét ở khía cạnh chất lượng, theo đại diện của một số doanh nghiệp thì họ vẫn lựa chọn các thương hiệu tuyển dụng lớn và có uy tín vì sau khi làm khách hàng của các nhà tuyển dụng nhỏ thì họ không tuyển được người đúng ý hoặc không nhận được các hồ sơ tìm việc có chất lượng cao.
Chính vì thế, các công ty tuyển dụng ra đời nhiều nhưng vòng đời hoạt động cũng không dài, vì các công ty này không xây dựng cho mình một chiến lược dài hạn và mang tính bền vững. Các nhà tuyển dụng này không có các chính sách đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân viên một cách chuyên nghiệp, và trên thị trường lao động trực tuyến đã xuất hiện khoảng cách khá lớn về chất lượng dịch vụ, quy mô hoạt động và tính chuyên nghiệp giữa các doanh nghiệp cùng cung cấp một loại hình dịch vụ.
Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc của VietnamWorks.com, nói rằng để cung cấp các dịch vụ mang tính công nghệ cao này đến khách hàng, công ty đã đầu tư mạnh cho đội ngũ nhân viên thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên ngành và xây dựng cho họ một tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Cạnh tranh gay gắt
Nếu quan tâm đến việc tìm một chỗ làm mới thông qua mạng Internet, bạn có thể nhận thấy một vị trí được doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng trên nhiều trang web khác nhau. Điều này, một phần là do doanh nghiệp đang có nhu cầu cấp bách về nhân sự, một phần khác là do doanh nghiệp được hưởng chính sách miễn phí từ nhiều nhà tuyển dụng trực tuyến. Sự xuất hiện ồ ạt các trang web tuyển dụng đã gây ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giành khách hàng. Ngoài việc miễn phí, giảm giá cho khách hàng, có trang web còn kèm thêm những khoản ưu đãi khác như tặng quà, đăng quảng cáo trực tuyến miễn phí, hỗ trợ đào tạo nhân viên...
Với đà phát triển nhanh và mạnh mẽ của Internet, các nhà tuyển dụng trực tuyến cũng phải tăng mức đầu tư cho hạ tầng CNTT, nâng cấp trang web thường xuyên, xây dựng các blog, mạng cộng đồng cho riêng mình và tăng cường khả năng tương tác, tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ chia sẻ thông tin, hình ảnh… Nhiều trang tuyển dụng nhân sự còn tập trung phục vụ, đáp ứng những yêu cầu riêng của các doanh nghiệp lớn nhằm giữ chân khách hàng.
Không chờ đến lúc các nhân viên nghỉ việc, nộp đơn vào các công ty hay các tổ chức tuyển dụng, các trang mạng “săn đầu người” luôn tìm cách lôi kéo các nhân sự cấp cao, có năng lực về các công ty khác, theo các đơn đặt hàng. Đây được coi là các kênh tuyển dụng bí mật, và các chuyên gia “săn đầu người” tìm mọi cách, từ điện thoại, đối thoại trực tuyến (chat) đến thư điện tử (e-mail), liên lạc với các ứng viên tiềm năng và tỉ tê về công việc mới. Những vị trí xuất sắc tại một công ty không chỉ nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp khác mà còn được các nhà tuyển dụng để mắt đến. Chính vì thế, ở các công ty đa quốc gia, nhiều vị trí thường xuyên thay đổi, trở thành một nét văn hóa doanh nghiệp của tổ chức.
Các công ty tuyển dụng quy mô lớn thường có trong tay cả một kho dữ liệu các ứng viên tiềm năng. Muốn họ để ý đến, các ứng viên tìm việc chỉ nên gửi thông tin đến những nhà tư vấn có liên quan ít nhiều đến ngành nghề của mình và tìm cách để lý lịch của bạn chiếm một vị trí trong nguồn dữ liệu ấy.
Hiện tại, các vị trí quản lý từ bậc trung trở lên được các công ty săn đón vì lực lượng này luôn thiếu hụt và thị trường lúc nào cũng cần. Công việc này thường được giao cho các nhà tuyển dụng trực tuyến có uy tín. Thời gian tìm kiếm lôi kéo ứng cử viên cho vị trí này thường mất ít nhất khoảng 2-3 tháng, có khi kéo dài cả 5-6 tháng và chi phí cho dịch vụ này là khá cao, có thể tương đương 2-3 tháng lương của nhân sự đó và được doanh nghiệp khách hàng trả cho công ty “săn đầu người”.
Việc ‘’thu phục’’ nhân sự cao cấp của đối phương, nhất là các vị trí quản lý cấp cao ở lĩnh vực tiếp thị, bán hàng đối với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán… có thể kéo theo việc sở hữu hàng loạt bí quyết kinh doanh lẫn nguồn dữ liệu về khách hàng của đối phương. Và trong thị trường cạnh tranh quyết liệt này, những nhà tuyển dụng nhân sự cũng có thể trở thành “nạn nhân’’ khi mà các chuyên viên tư vấn về nhân lực của mình bị nhà cung cấp dịch vụ khác “săn” mất.
Theo TBKTSG