Thị trường tài chính sẽ sụt giảm tồi tệ nếu Mỹ mất xếp hạng tín dụng AAA?
- Các chuyên gia phân tích tại Barclays Capital cho rằng Mỹ sẽ để mất xếp hạng tín dụng AAA bởi việc nội bộ chính phủ Mỹ bất động trong việc nâng trần nợ. Thế nhưng điều này có ý nghĩa thế nào với nhà đầu tư?
Để hiểu được quyết định hạ xếp hạng tín dụng như vậy có ý nghĩa như thế nào, ông Barry Knapp, trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại Barclays Capital, đã nhìn lại năm 1998 để có thể biết được quyết định hạ xếp hạng tín dụng của Nhật mà Moody đưa ra tác động như thế nào đến nước này.
Với ví dụ của Nhật, ông Knapp khẳng định có thể hiểu được khả năng nước Mỹ đang đương đầu với đầy mối nguy hiểm, thế nhưng quan sát của ông cũng cho người ta thấy nhiều điểm.
Ông Knapp nói: “Các yếu tố vĩ mô căn bản mới đóng vai trò quyết định giá tài sản, chứ không phải quyết định hạ xếp hạng. Ban đầu chúng tôi khá choáng váng với việc giá trái phiếu chính phủ Nhật hạ, lợi suất trái phiếu loại 2 năm và 10 năm tăng cao. Quyết định hạ xếp hạng đã tác động xấu đến lợi suất trái phiếu loại dài hạn.”
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng, chỉ số Nikkei 225 và đồng yên cũng vậy. Ông nhấn mạnh sản xuất công nghiệp Nhật bắt đầu phục hồi vào năm 1998 và như vậy đã kéo Nhật ra khỏi suy thoái kinh tế vào đầu năm 1999.
Ông kể lại: “Ban đầu, 2 tuần sau khi bị hạ xếp hạng, thị trường chứng khoán Nhật vẫn phản ứng tích cực, nó cho thấy các yếu tố khác đang điều khiển thị trường như thế nào. Tuy nhiên trong vài tuần, thị trường chứng khoán lại đi xuống bởi tâm lý lo lắng rằng chương trình tái cấp vốn lần 1 (đầu năm 1998) cho các ngân hàng không đủ và cần đến vòng thứ 2 (đầu 1999).”
Cổ phiếu ngân hàng kéo lùi chỉ số Nikkei 225 cho đến khi kinh tế phục hồi vững chắc hơn và đợt tái cấp vốn lần 2 của các ngân hàng hoàn thành.
Ông Knapp nói: “Một khi suy thoái kinh tế chấm dứt và chương trình tái cấp vốn của các ngân hàng hoàn thành, đồng yên trở lại mức trước khi xếp hạng tín dụng của Nhật bị điều chỉnh giảm.”
Khi chỉ số S&P vẫn không sụt giảm quá sâu, giao dịch từ mức 1.250 cho đến 1.350 điểm trong bối cảnh căng thẳng về trần nợ tại Quốc hội Mỹ không chấm dứt, khiến ông Knapp đặt ra không ít câu hỏi tại sao thị trường chứng khoán Mỹ vững như vậy.
Ông phân tích: “Mùa kết quả kinh doanh đã khởi đầu tốt. Chúng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ tiếp diễn thế nhưng điều đó sẽ xảy ra không phải bởi các rủi ro chính trị. Chúng tôi cho rằng thêm một lần nữa các yếu tố vĩ mô sẽ trở thành yếu tố quan trọng điều khiển thị trường chứng khoán, trái phiếu và đồng USD, gần nhất phải kể đến báo cáo GDP và báo cáo về thị trường việc làm.”
Ông nói: “Chúng tôi kỳ vọng rằng thỏa thuận nợ là giải pháp thỏa hiệp để tránh khả năng vỡ nợ chứ không phải hạ xếp hạng tín dụng. Vì vậy nếu Quốc hội Mỹ không thực hiện được mục tiêu 4 nghìn tỷ USD và S&P giữ nguyên lập trường của mình, sau phản ứng ban đầu của thị trường, hướng đi của thị trường sau đó sẽ chịu sự chi phối của các số liệu cũng như kỳ vọng kinh tế nửa sau năm 2011 phục hồi.”
Theo Cafef