Từ 15/9: Dùng QR Code để mua đồ ăn uống trên tàu hoả và đặc sản vùng miền tại các ga Gần 300 gian hàng hội tụ tại Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2023 |
Cái gì cũng có
Chẳng cần lên Tây Bắc, vào miền Trung, xuống Cà Mau... giờ đây chỉ cần ngồi một chỗ nhưng thực khách có thể mua tất tần tật đặc sản của mọi miền đất nước thông qua một cú nhấn chuột hay tin nhắn.
Mấy năm gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm trên mạng xã hội gia tăng, nhất là vào dịp lễ, Tết thì hàng hóa càng đa dạng, phong phú hơn, được rao bán rầm rộ hơn.
Đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP sôi động chợ mạng |
Năm nay cũng vậy, sau ngày tiễn ông Táo về trời, thị trường mua sắm Tết online càng trở nên sôi động. Chỉ cần lên mạng gõ chữ “chợ Tết” sẽ hiện ra các đặc sản của khắp vùng miền, nào là chợ Tết Hải Hậu, chợ Tết Thanh Hóa, chợ Tết Hà Nội, chợ Tết Kon Tum, chợ Tết Quảng Ngãi, chợ tết miền Tây… với đủ đặc sản vùng miền, từ nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi, rau rừng, chè, gạo, các loại củ, quả và thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt trâu gác bếp, lạp xưởng… của vùng núi cao Tây Bắc đến sản phẩm miền biển như nước mắm, cá thu, chả mực, nem chua, giò bê…; những hoa trái thơm ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, trái cây sấy khô…
Giá bán cũng được công khai rõ ràng, ví dụ như: Chè ngon Thái Nguyên có giá từ 300.000 – 700.000 đồng/kg, thịt trâu gác bếp có giá từ 800.000 – 1,1 triệu đồng/kg, lạp xưởng có giá 350.000 – 380.000 đồng/kg, mứt dừa non có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg.
Diệu Linh – quê ở Tuyên Quang đã tham gia bán hàng online được 3 năm cho biết: “Em chủ yếu bán những mặt hàng của gia đình làm ra và một số của bà con trong làng như măng, miến, lạp xưởng, mật ong… Giá cả, nguồn gốc các mặt hàng công khai rõ ràng để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Nguyên tắc bán hàng của em là chỉ bán những mặt hàng mình biết chắc chắn nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh bán hàng onlie ngày càng cạnh tranh, chỉ một lần mất uy tín, tiếng xấu đồn xa thì coi như dẹp tiệm. Ngược lại, hàng chất lượng, giá tốt thì khách sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè ủng hộ”.
Chất lượng đặt lên hàng đầu
Tuy nhiên, cùng với rất nhiều người bán hàng online uy tín như Diệu Linh vẫn có không ít sản phẩm "ba không" (không tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan ở chợ mạng. Một đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng thịt trâu gác bếp ở Lào Cai cho biết, để làm được 1kg thịt trâu, bò khô gác bếp người sản xuất cần khoảng 3 – 3,5kg thịt tươi. Hiện 1kg thịt trâu tươi đã 250.000 – 270.000 đồng/kg. Vì vậy, để có lãi thì giá bán trung bình 1kg thịt trâu gác bếp chính hiệu khoảng 900.000 – 950.000 đồng/kg. Chính vì vậy, với những sản phẩm giá rẻ, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn để tránh cảnh “tiền mất tật mang”.
Trong khi đó, khảo sát tại một fanpage chuyên bán đồ ăn, đặc sản vùng miền, thịt trâu gác bếp được đăng bán có giá khoảng 300.000 đồng/kg; xúc xích, lạp sườn 170.000 - 200.000 đồng/kg, lườn ngỗng hun khói có giá 180.000 nghìn đồng/ kg…
Một trang facebook chuyên sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc giao bán 88.000 đồng/kg, trong khi giá mặt hàng này tại nhiều trang thương mại điện tử uy tín trên 200.000 đồng/kg…
Trước tình trạng các loại đặc sản vùng miền “nở rộ” trên các trang chợ online, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong lưu ý, theo quy định, thực phẩm phải có đầy đủ thông tin về tên, địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Chợ mạng sở hữu lợi thế là kết nối được lượng khách hàng lớn và rộng khắp. Cùng với dịch vụ vận chuyển hàng hóa ngày càng phát triển đã góp phần quảng bá và đưa đặc sản đến mọi miền đất nước, kể cả nước ngoài. Để những thương hiệu đặc sản vùng miền ngày càng được khách hàng nhiều nơi tin dùng thì vấn đề cần đặt lên hàng đầu là chất lượng sản phẩm...
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh thực phẩm online, chị Thanh Tú – quê ở Cà Mau chuyên kinh doanh đặc sản sông chia sẻ: Vấn đề quan trọng của việc kinh doanh trên mạng là phải giữ uy tín, chất lượng và giá cả. Chất lượng ngày càng phải tốt hơn và giá phải cạnh tranh. Có được hàng trăm khách hàng thường xuyên nhưng chỉ cần sơ suất, đánh mất uy tín với một người thôi thì thiệt hại sẽ không lường hết.
Giới chuyên gia khuyến cáo, khi mua sắm trên mạng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm người tiêu dùng cần tham khảo các đánh giá, phản hồi của khách hàng từng mua sản phẩm để có thêm thông tin. Ngoài ra, cần kiểm tra thông tin liên hệ với người bán như số điện thoại, địa chỉ giao dịch để có sự kiểm chứng khi cần thiết. |