Dự báo nguồn hàng Việt Nnam dành cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu sẽ khá dồi dào |
Mặc dù năm 2016 được đánh giá là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam nhưng theo khảo sát của Nielsen Việt Nam - một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu, mức độ lạc quan của người tiêu dùng và nhà bán lẻ vẫn được duy trì. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng vẫn đang ở mức cao và dự kiến sẽ còn kéo dài đến dịp tết sắp tới.
Theo nghiên cứu của Nielsen, thời điểm Tết Nguyên đán 2017 rơi vào tháng 1/2017, sớm hơn so với các năm trước. Bia, nước ngọt, cà phê, thuốc lá, bánh kẹo… là những ngành hàng tiêu thụ chính trong mùa tết ở Việt Nam. Người tiêu dùng cũng có xu hướng tích trữ các mặt hàng này sớm, bắt đầu từ tuần 8 đến tuần 5 trước tết. Những vùng, miền khác nhau cũng có sự khác biệt về sức tiêu thụ các mặt hàng. Cụ thể, người tiêu dùng miền Nam thường dành khoảng 40% số tiền để mua bia trong dịp Tết; trong khi đó, ở miền Trung và miền Bắc, bánh kẹo lại được tiêu thụ nhiều do nhu cầu biếu tặng tăng cao.
Nhằm chủ động hàng hóa và ổn định giá dịp cuối năm, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa cung ứng cho thị trường được các DN trong nước quan tâm và dự báo nguồn hàng Việt Nam dành cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu sẽ khá dồi dào. Để chuẩn bị cho Tết âm lịch Đinh Dậu 2017, thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp chú trọng đến cân đối cung - cầu hàng hóa trên thị trường; đẩy mạnh các hoạt động thanh - kiểm tra, giám sát nhằm xử lý việc tư thương trục lợi bằng cách tạo ra cơn sốt ảo để tăng giá. Các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng vào dịp cuối năm sẽ được kiểm tra gắt gao hơn.
Về phía DN, ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh - cho hay, đến thời điểm này, DN đã chủ động kết nối với các kênh phân phối nhằm có kế hoạch cung ứng thực phẩm cho dịp tết. Dự kiến, nguồn cung thịt lợn cho thành phố sẽ không thiếu hàng, sốt giá.
Tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa các DN chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 15% - 20% so với chỉ tiêu thành phố giao. Trong đó, hàng hóa từ các DN bình ổn sẽ chiếm từ 30-40%, chợ đầu mối chiếm từ 60-70%, bao gồm các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc gia cầm, nước giải khát, bánh mứt kẹo, lương thực… Riêng các mặt hàng Việt được đánh giá là có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập, bảo đảm sẵn sàng phục vụ kể cả trong trường hợp có tình trạng sốt giá cục bộ.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng làm việc với các địa phương lân cận là Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre để chủ động hơn nữa nguồn cung cho thị trường. DN trên địa bàn thành phố cũng cam kết sẽ duy trì ổn định giá hàng hóa trong dịp trước, trong và sau tết. Đặc biệt, trong 2 ngày cận Tết là 29 và 30, các siêu thị, điểm bán hàng trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Bình ổn và kiểm soát giá cả hàng hóa trên thị trường những tháng cuối năm luôn là mối quan tâm của cơ quan quản lý và người dân. Bởi lẽ, dù nguồn hàng hóa thiết yếu không thiếu nhưng cuối năm luôn là thời điểm thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá. |