Tháng 7 thường để lại ấn tượng không tốt về hoạt động giao dịch chứng khoán, bởi đây là thời điểm sau mùa đại hội đồng cổ đông, với nhiều thông tin về chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh trong năm cũng như kết quả kinh doanh quý I, thông tin hỗ trợ sẽ ít hơn. Nếu không có dòng tiền lớn duy trì đủ lâu để tạo niêm tin cho nhà đầu tư thì thị trường sẽ giảm. Tuy vậy, tháng 7 cũng là thời điểm các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK rải rác công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét. Điều này phần nào được kỳ vọng sẽ là lực tác động quan trọng tới động thái của nhiều NĐT trên thị trường.
Nhìn lại diễn biến TTCK tháng 7/2014, NĐT kỳ vọng vào kết quả quý II tốt tại một số ngành, đặc biệt những doanh nghiệp có thể cải thiện lợi nhuận nhờ chi phí tài chính giảm khi lãi suất giảm, hoạt động tái cơ cấu nợ diễn ra tích cực thông qua phát hành cổ phiếu, bán nợ…; hay nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng kỳ vọng khởi sắc nhờ gói hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ngành săm lốp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ vào hai nhân tố là giá cao su thiên nhiên (nguyên liệu đầu vào) tiếp tục thấp do tình trạng dư cung trên thế giới và tiềm năng tăng trưởng lớn ở phân khúc săm lốp radial toàn thép. Tuy vậy, tháng 7/2014, NĐT vẫn phải theo dõi thông tin nhạy cảm về những căng thẳng trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt để ra quyết định đầu tư.
Còn năm 2015, VN - Index đã lần lượt chinh phục các đỉnh 570 - 580 - 590 điểm thuyết phục trong tháng 6. Thông tin vĩ mô tích cực cộng thêm hàng loạt chính sách mới (Nghị định 60 nhằm mở room ngoại, Dự thảo sửa đổi Thông tư 74 rút ngắn T+, cho phép giao dịch trong ngày, nới biên độ UPCoM…) của Bộ Tài chính và UBCK được ban hành đã tạo ra những kỳ vọng mới cho thị trường. Cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều có sự hưởng ứng tích cực đối với quyết tâm phát triển thị trường trong dài hạn của các cơ quan quản lý. Tâm lý tích cực được duy trì trong tháng 7.
Năm nay, TTCK trong nước đã trải qua một tháng 5 sôi động, trái với lo ngại quy luật “Sell in May”. Tiếp tục trong tháng 6, thị trường vẫn duy trì điểm số tốt, nhiều nhận định của CTCK đều cho rằng, thị trường sẽ sớm chinh phục được mốc 640 điểm. Các yếu tố hỗ trợ tâm lý cho NĐT bao gồm triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất duy trì mức thấp. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới bứt phá đi lên, cán mốc 50 USD/thùng, giúp các cổ phiếu dầu khí phục hồi tốt; trong đó, có những mã có vốn hóa lớn nên có tác động lên điểm số thị trường.
Dòng vốn quốc tế đảo chiều khi Fed tăng lãi suất vào tháng 6, nhưng khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 là không có, còn trong tháng 7 cũng chỉ khoảng 30%. Theo đó, dòng vốn ngoại đã có sự cải thiện tích cực. Tuy nhiên, phiên 24/6 vừa qua được ví như “Ngày thứ Sáu đen tối” khi 51,9% người dân Anh bỏ phiếu tán thành việc rời khỏi EU. Thị trường chứng khoán thế giới lập tức có phản ứng với thông tin này và TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích CTCK Maybank Kim Eng nhận định, xu hướng chủ đạo của hai chỉ số vẫn là tăng. Dẫu vậy, sự kiện Brexit lần này thật sự sẽ là “kỳ kiểm tra khắc nghiệt” dành cho xu hướng tăng của hai chỉ số trong một vài phiên tới.
“Phiên 24/6 đã khiến giá thấp nhất ngày như “nhát kiếm” đâm xuyên cả khu vực hỗ trợ rất quan trọng – vùng quanh 600 điểm. Dẫu vậy, sự tồn tại của “nhát kiếm” này không lâu, chỉ chưa đầy 15 phút khi mà sự vi phạm xảy ra và cần nhìn nhận lực cầu sau đó đã ra quân rất quyết liệt để giúp VN-Index lấy lại gần 2/3 điểm số bị mất và tiếp tục duy trì vùng “phù hợp” với nhìn nhận xu hướng tăng tính đến hiện tại”, ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, mấu chốt vấn đề phụ thuộc vào cách di chuyển của đường giá trong tuần này. Nếu sự suy giảm (có thể vẫn còn) không khiến giá đóng cửa vi phạm vùng hỗ trợ quan trọng quanh 600 điểm, hoặc tốt hơn là “neo” thành công trong vùng kênh giá tăng (cao hơn 610 điểm), tình hình sẽ được đánh giá tiếp tục khả quan và xu hướng tăng sau đó nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì hiệu lực. Đây chắc chắn là kỳ kiểm tra rất khốc liệt dành cho VN-Index.