Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không nên vì con sâu mà đổ cả nồi canh
Những điểm sáng
Trái phiếu là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời là lựa chọn quen thuộc của giới đầu tư trong những năm qua.
Theo VFCA, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021). Năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,6% GDP, với cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp theo ngành: bất động sản là 318.200 tỷ, chiếm 44%, ngân hàng thương mại là 226.400 tỷ, chiếm 31,3%, năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, (chủ yếu là các công ty chứng khoán) và nhóm doanh nghiệp phát triển hạ tầng là 28.932 tỷ đồng, chiếm 4%, còn lại 21% thuộc các ngành khác.
So sánh với thị trường trái phiếu ở 1-2 nước lân cận có thể thấy thị trường trái phiếu của Việt Nam vẫn đầy cơ hội phát triển.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không nên vì con sâu mà đổ cả nồi canh. Ảnh minh họa |
Năm 2022, thị trường trái phiếu Việt Nam gặp nhiều biến động. Tuy vậy, nhìn sâu vào thị trường, vẫn có những điểm sáng khiến nhà đầu tư vững niềm tin. Theo FiinRatings, qua rà soát năng lực tài chínhcủa nhóm 20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất, kết quả thu được thể hiện rằng: dù sức khỏe tín dụng gặp hạn chế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có khả năng chống chịu tốt và có thể khôi phục nếu vượt qua giai đoạn tới.
Khảo sát của FiinRatings đã củng cố cho một thực tế không thể phủ nhận là khá nhiều doanh nghiệp phát hành có sức khỏe tài chính tương đối tốt và vẫn đang đảm bảo các nghĩa vụ với trái chủ. Các khó khăn hiện tại mang tính thời điểm và chịu tác động từ bối cảnh tâm lý chung.
Điều đáng mừng là các động thái gần đây của nhà quản lý đã góp phần khôi phục và củng cố niềm tin cho thị trường. Chẳng hạn như Nghị định 65 đang được cân nhắc sửa đổi, Chủ tịch UBND TP. HCM kiến nghị sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, hay như trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành tài khóa, tiền tệ và vĩ mô cuối năm 2022, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xây dựng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… Những tín hiệu này đã mang lại hy vọng lớn cho nhà phát hành và giới đầu tư hiện nay.
Ngoài ra, một diễn biến đặc biệt khác là Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5% - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tương đương với việc tăng thêm tối đa khoảng 200.000 tỷ đồng. Việc nới room tín dụng được nhìn nhận sẽ giải quyết tích cực vấn đề thanh khoản của hệ thống, làm giảm áp lực vốn đối với các doanh nghiệp. Cùng với việc tỷ giá đã hạ nhiệt và lãi suất được ghìm cương, động thái này của Ngân hàng Nhà nước cũng báo hiệu những bước chuyển đáng chú ý về chính sách tiền tệ năm 2023, qua đó giảm căng thẳng trong tâm lý thị trường.
“Thị trường sẽ còn phát triển hơn nữa”
Trao đổi với VietnamFinance về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng dù hiện tại đang khó khăn, song tương lai của trái phiếu vẫn là xu hướng đi lên. Xu hướng này được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và động thái tháo gỡ vướng mắc của nhà quản lý.
“Các câu chuyện đảo nợ, sai trái chỉ là hãn hữu, đa số doanh nghiệp huy động trái phiếu vẫn là làm thật, đầu tư thật, có sản phẩm thật, không phải là đổ tiền vào những thứ không mang lại giá trị hay rủi ro lớn. Trái phiếu trước sau vẫn là kênh tốt, tiềm năng, tất yếu, cần thiết, sớm muộn gì cũng phát triển và nó sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa”, luật sư Đức bình luận.
Luật sư Đức khuyến nghị trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay, nhà đầu tư cần bình tĩnh, thận trọng trong việc đưa ra quyết định, bởi “nếu tất cả đều hoảng loạn, tháo chạy thì chỉ làm tăng thêm nguy cơ cho thị trường”.
Nhìn nhận về hiện tượng mua lại trái phiếu trước hạn của nhà phát hành, luật sư Đức cho rằng đó là một dấu hiệu tích cực, bởi “chỉ khi có cơ hội, nhà phát hành mới mua lại, chứ không ai sắp chết mà mua lại cả. Vậy nhà đầu tư tội gì rút ra để tự chịu thiệt hại? Đầu tư ở đâu để tốt hơn bây giờ? Trái phiếu xét ra còn có tài sản bảo đảm, còn an toàn hơn cổ phiếu. Trái phiếu rủi ro vì chịu tác động tổng thể, tác động dây chuyền, còn với vĩ mô tốt, đặc biệt đang được chấn chỉnh theo hướng an toàn hơn, tốt hơn, tương lai thị trường trái phiếu chỉ có tốt hơn chứ không có xấu hơn”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Nguyễn Tuyên, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út (Saudi Arabia), cho rằng thị trường trái phiếu về cơ bản vẫn tốt. “Một số làm ăn gây ảnh hưởng xấu nhưng chủ đạo vẫn là tích cực. Nhìn một bức tranh, đừng chỉ nhìn mỗi mặt xấu, mặt trái, đừng vì hiện tượng xấu mà bảo cả bức tranh xấu”.
“Kinh tế Việt Nam đang có chiều hướng tốt. Trái phiếu doanh nghiệp đang được cải cách, hy vọng thời gian tới sẽ tốt lên nhiều, đừng để tâm lý xấu làm ảnh hưởng tới thị trường và toàn nền kinh tế. Lãnh đạo Chính phủ đã nói quyền lợi của người dân phải được đảm bảo…”, PGS.TS Trần Nguyễn Tuyên nhấn mạnh.