Thiếu hụt lao động tay nghề cao
Năm 2018, dân số Việt Nam ước tính khoảng 94 triệu người, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người. Đánh giá của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động.
Cải thiện chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước |
Theo Tổng cục Thống kê, xu thế lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 11/2018 tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,9%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,4%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,4%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,5%.
Cụ thể, lao động của các doanh nghiệp công nghiệp so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn: Hải Phòng tăng 13%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 6,8%; Hà Nội tăng 5,8%; Đồng Nai tăng 4,5%; Hải Dương tăng 2,6%; Quảng Ninh tăng 2,4%; Cần Thơ tăng 1,1%; TP. Hồ Chí Minh và Thái Nguyên cùng tăng 1%; Bình Dương tăng 0,8%; Quảng Nam tăng 0,5%; Vĩnh Phúc giảm 2,7%; Bắc Ninh giảm 7,9%; Đà Nẵng giảm 12,3%.
Với tổng lực lượng lao động dồi dào đó, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Báo cáo thị trường quý II/2018 của Công ty cung cấp dịch vụ nhân sự ManpowerGroup, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Do vậy, theo phân tích, khi tiến bộ công nghệ thay đổi, các tổ chức, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân lực có kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp.
Cục Việc làm nhận định, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều yếu kém, trong đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Đặc biệt, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội...
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - thừa nhận, chất lượng lao động Việt Nam cũng có những vấn đề đáng quan ngại, chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp còn cao, nhiều sinh viên phải làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây ra sự lãng phí lớn trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Do đó, “việc trang bị các kiến thức, kỹ năng mới cho người lao động trong bối cảnh hội nhập là quan trọng và cần thiết” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang Hee Lee phân tích, Việt Nam đang phải đối diện với thách thức về thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, có một khoảng cách lớn giữa đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng. Vì vậy, cần phải có lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thích ứng với những thay đổi và thách thức của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Đào tạo chính là chìa khóa tạo nên năng suất lao động cao hơn, thay đổi chất lượng cuộc sống và đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong tương lai.
Cải thiện chất lượng lao động, nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định hướng phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; đồng thời, củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam. Ngoài ra, Bộ này sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với việc làm, giữa cơ sở đào tạo, người học nghề, người sử dụng lao động và người lao động...
Trong những năm qua, nhằm thúc đẩy và phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực, được xem là những giải pháp đột phá. |