Hướng tới cân bằng cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến sát mốc 150 tỷ USD |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 117,7 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 50,8 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Nhập siêu từ Trung Quốc 66,9 tỷ USD, tăng 68,5%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng hoá Việt Nam.
Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.
Dừa tươi là một trong những mặt hàng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng (Ảnh: Vina T&T) |
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Ở chiều xuất khẩu, nông sản là mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang phía bạn. Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng chính là mặt hàng “hot” của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Ngoài ra, Trung Quốc còn ưa chuộng nhãn, vải, xoài, dừa tươi… từ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam có lợi thế khi nằm sát với thị trường Trung Quốc - là thị trường rau quả lớn nhất thế giới với nhu cầu hàng năm lên đến 20 tỷ USD. Vị trí địa lý gần gũi giúp chi phí logistics của rau quả Việt ở mức thấp, thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Mới đây, Trung Quốc đã mở cửa cho trái dừa Việt Nam. Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 - 400 triệu USD/năm từ thị trường này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 171,2 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,7 tỷ USD). Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc năm 2023 đạt 110,64 tỷ USD. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc kỳ vọng đạt 200 tỷ USD.