CôngThương - Lãi cao nhưng vẫn lo lắng
Nối tiếp những đợt tăng giá liên tục, những ngày đầu tháng 5/2011 giá cá tra nguyên liệu tăng vọt từ 26.000 đồng/kg lên 28.500 đồng/kg. Với đà tăng này, nhiều chuyên gia dự đoán giá cá sẽ tiếp tục tăng trên 30.000 đồng/kg. Thế nhưng, theo Lê Thanh Dung - Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Hòa Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang)- cho biết, hiện các thương lái thu mua cá tra thịt trắng, loại từ 0,7 đến 1kg/con tại ao với giá 26.600 đồng/kg, giảm gần 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Nguyên nhân vì hơn tuần qua tỷ giá đồng USD giảm, giá bán các loại phụ phẩm cá tra thấp, cộng với việc bán tháo cá của người nuôi sau thời gian “găm hàng” chờ giá lên nữa và việc "đụng" nguồn cá tra nguyên liệu của một số doanh nghiệp dồi dào khiến nguồn cung cao hơn so với nhu cầu dẫn đến giá cá tra giảm.
Theo ông Dung, với giá bán cá hiện nay, sau khi trừ các chi phí đầu vào (như thức ăn, con giống, thuốc hóa chất, tiền thuê ao, nhân công, lãi suất ngân hàng...) khoảng 22.000 đồng/kg, người nuôi cá vẫn còn lời 4.600 đồng/kg. Ở Tiền Giang, trung bình mỗi hecta nuôi cá tra có sản lượng trung bình khoảng 300 tấn thì người nuôi cá vẫn có lời gần 1,4 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Hào- nông dân nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang)- người nuôi cá tra không được hưởng hết số lãi này, bởi hầu hết các doanh nghiệp thu mua cá tra không trả tiền ngay mà thường hẹn sau 3 tháng mới trả. Ông Hạo tính toán, nếu người nuôi cá bán 1 hecta ao cá tra 300 tấn với số tiền là 8 tỷ đồng, tính lãi suất hiện nay là 1,7%/tháng thì người nuôi đã trả cho ngân hàng trên 400 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, dù giá cá tra tăng và người nuôi có lãi, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, diện tích nuôi cá tại các tỉnh thành trong khu vực này lại giảm. Cụ thể, đến thời điểm này tỉnh Đồng Tháp mới thả được 861 ha cá tra, giảm 201 ha so với cùng kỳ năm 2010; Vĩnh Long đang thả nuôi là 279ha, giảm 31ha so cùng kỳ 2010; TP. Cần Thơ mới thả nuôi 176ha, chỉ bằng 52% diện tích so với cùng kỳ 2010 (336ha).
Ông Nguyễn Thanh Dung cũng cho biết, HTX nuôi cá tra Hòa Hưng có diện tích nuôi cá tra gần 20 hecta vào năm 2005 nhưng đến nay nay chỉ còn 13 hecta nuôi cá tra, diện tích còn lại dùng để ương giống hay bỏ trống.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, hiện không chỉ thức ăn liên tục “nhảy múa” theo hướng đi lên mà con giống, thuốc, nhân công lao động… đều tăng dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao (trung bình nuôi 1 hecta cá tra cần trung bình 6 tỷ đồng). Bởi vậy, người nuôi cá lo lắng nếu đến kỳ thu hoạch, giá cá giảm dưới giá thành sản xuất thì họ sẽ lãnh nợ.
Mặt khác, do bị ảnh hưởng của những vụ trước nên hầu hết hộ nuôi cá tra đang thiếu vốn trầm trọng. Không đủ vốn nên người nuôi buộc phải vay nóng để tái đầu tư. Ông Nguyễn Văn Minh- xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang)- cho biết: “Nghề nuôi cá tra ngày càng rủi ro cao, cộng với việc một số người nuôi cá không giữ uy tín với ngân hàng, nên bây giờ ngân hàng hầu như đóng cửa với người nuôi cá. Nếu ai nuôi cá mà bị nợ quá hạn thì kể như không bao giờ được vay lại ở ngân hàng đó nữa, còn những khác hàng quen, ngân hàng vẫn cho vay nhưng cũng hạn chế”.
Doanh nghiệp xuất khẩu than lỗ
Ông Nguyễn Văn Đạo- Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang)- cho biết, hiện giá cá tra xuất sang các thị trường đều tăng so với quý I/2011. Cụ thể, giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ 3,8- 4 USD/kg, châu Âu từ 3,2 - 3,4 USD/kg, châu Á 3,2 USD/kg…
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay giá xuất khẩu tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ cá tra trên các thị trường khá tốt. Tuy nhiên, dù giá xuất khẩu tăng cao nhưng không theo kịp mức tăng quá cao của giá cá nguyên liệu.
Trong đầu tháng 5, giá cá tra nguyên liệu đã chạm đỉnh 29.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010) và người nuôi cá có lãi 5.000- 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu chỉ tăng được bình quân khoảng 1 USD/kg (tương đương 20.000 đồng/kg), với định mức 3 kg cá tra nguyên liệu cho 1kg cá tra philê thì doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải kinh doanh không lãi.
Theo phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quí I/2011 của Công ty Nam Việt (Navico), lợi nhuận sau thuế trong quí chỉ đạt 378,9 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 20 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do giá vốn hàng bán (chủ yếu là cá nguyên liệu) tăng mạnh.
Đa số các doanh nghiệp đều cho biết, kinh doanh không phải lúc nào cũng có lãi, thậm chí lỗ. Trong lúc này, doanh nghiệp vẫn phải chịu đựng, bởi ngoài nhiệm vụ tạo ra lợi nhuận thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với xã hội và giữ uy tín với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã không chịu nổi sức ép chi phí khi mức lãi suất nhiều ngân hàng đưa ra lên đến 24%/năm. “Mức lãi suất này thì chúng tôi không thể chịu đựng, vì kinh doanh có mức lãi trên 24%/năm là rất khó, nhất là trong bối cũng kinh tế ảm đạm như hiện nay"- giám đốc một công ty chế biến cá tra ở Tiền Giang than thở.
Dù rằng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lượng cá tra nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 75- 85% nhu cầu của các nhà máy chế biến nhưng do quá khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện “ép giá” nông dân.
Liên kết- chuyện cũ mà mới
Khi giá cá cao, nguồn nguyên liệu thiếu thì nông dân kêu nhiều thương lái, doanh nghiệp thu mua cá để đấu giá. Ngược lại, khi giá cá giảm, số lượng nhiều thì doanh nghiệp lại càng kiếm cớ ép giá nông dân. “Chuyện kiến ăn cá, rồi cá ăn kiến” cứ diễn ra trong nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Nghĩa- xã Nhị Mỹ (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)- cho biết: “Khi giá cao, doanh nghiệp mua cá không phân biệt loại nào, thịt vàng hay trắng. Nhưng khi rẻ, doanh nghiệp mua cá tới 2-3 loại, rồi nào phân biệt cá mỡ vàng, mỡ trắng đủ thứ trên đời”.
Lâu nay, việc chia sẻ lợi nhuận, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân nuôi cá và doanh nghiệp vẫn thường được nhắc tới trong các hội nghị, hội thảo về nuôi cá tra. Nhưng tới nay, vấn đề liên kết dường như vẫn khó thực hiện khi mỗi bên đều muốn lợi ích lớn thuộc về mình. Ông Lê Thanh Dung- Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Hoà Hưng- cho biết: “HTX cũng đã tiến hành đàm phán với nhiều doanh nghiệp để tiến tới ký kết hợp đồng liên kết. Tuy nhiên, các phương án đưa ra đều không được hai bên thống nhất. Vì vậy, đến nay HTX Hòa Hưng vẫn nuôi cá theo kiểu hên xui”.
Trước thực trạng trên, để ngành cá tra phát triển bền vững, đảm bảo lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người nuôi cá tra chỉ có thể đi theo con đường chuỗi liên kết, chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người nuôi. Một khi chuỗi liên kết thực sự được tạo ra sẽ giải quyết tốt vấn đề ép giá, giá ảo và tạo điều kiện cho nông dân nuôi cá dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.