CôngThương - Đau đầu giá thịt lợn
Đầu tháng 5.2011 trở lại đây, giá thịt lợn hơi bắt đầu tăng cao từ 60.000 - 65.000đ/kg, lợn móc hàm cũng đội giá lên 85.000đ/kg. Không ít các mối buôn thịt tại chợ trung tâm Hà Nội phải kêu trời khi nhập hàng với giá cao hơn từ 5.000 - 10.000đ/kg so với tháng trước. Chị Hương - chủ hàng thịt chợ Ngọc Hà (Q.Ba Đình) sáng 27.5 cho hay: “Bỏ ra hơn chục triệu mua hơn tạ thịt với giá 85.000đ/kg, nên việc tăng giá bán lẻ là điều buộc chúng tôi phải làm để không bị lỗ vốn. Nếu cân đối thịt để bán không khéo thì lỗ mỗi ngày vài trăm nghìn là chuyện bình thường”. Mặc dù giá thịt được bán từ 90.000 - 110.000đ/kg, song theo chị Hương, mức giá này phải bù lại cho những loại thịt khác như xương ống chỉ 25.000đ/kg, xương cục 65.000đ/kg.
Cũng theo nhiều chủ hàng thịt ở chợ này, không phải hôm nào cũng có nhiều thịt để lựa chọn nhập hàng, do nguồn cung không dồi dào như trước. Việc nhập thịt hoàn toàn thông qua chủ lò mổ, chất lượng thịt thiếu ổn định, theo đó giá nhập lợn móc hàm dao động từ 80.000 - 85.000đ/kg. Anh Hoàng Văn Phong - một chủ lò mổ ở quận Hoàng Mai khẳng định: “Lợn nhập hoàn toàn từ các trang trại lớn hoặc trực tiếp từ nhà máy chăn nuôi. Số lượng lợn nhập từ chuồng nuôi nhỏ lẻ rất hiếm nên chúng tôi buộc phải bán theo giá giao dịch chung từ nhà máy”. Trong khi đó, theo nhiều bà nội trợ, giá thịt lợn hiện nay là ở mức cao so với những thực phẩm thông
thường khác.
Bác Nguyễn Thị Như - ngụ ở phường Giảng Võ (Q.Ba Đình) tính toán: “Ngót nghét 3 lạng sườn nấu canh cũng đã gần 40.000đ rồi, chưa kể thịt nạc thăn, nạc vai đều tăng. Nếu tính về giá trị kinh tế thì thịt lợn giờ đã đắt gần bằng thịt bò, thịt gà. Với mức thu nhập cán bộ viên chức như tôi thì quả là đau đầu mỗi khi ra chợ”. Không những thịt lợn tăng giá, giá thịt gà và các loại cá cũng tăng cao mỗi tuần. Giá cá trắm dao động 70.000đ - 90.000đ/kg, thịt gà ta tăng từ 110.000đ/kg lên đến 140.000đ/kg.
Giá cao không do thiếu
Trao đổi với PV Lao Động sáng 27.5, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) Hoàng Kim Giao khẳng định: “Việc nhập khẩu 100.000 tấn thịt trong năm nay là không cần thiết vì cân đối cung cầu nguồn thịt trong nước đảm bảo đủ đến hết năm nay”.
Theo ông Giao, trong khi các nông hộ nhỏ lẻ giảm bớt số lượng đàn nuôi thì tại các trang trại lớn, việc chăn nuôi vẫn được duy trì ổn định. Dịch bệnh tai xanh hoành hành thời gian qua, cộng với chi phí đầu vào tăng (đặc biệt là thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến không ít bà con chăn nuôi ngoại thành Hà Nội phải giảm nhập lợn giống, thậm chí nhiều hộ “treo” chuồng vì không xoay nổi chi phí, vốn. Hơn nữa, mọi thực phẩm, hàng tiêu dùng đều tăng giá nên thịt lợn không là ngoại lệ.
Giá thịt có khả năng sớm ổn định trong các tháng tới. Ảnh: D.H |
Theo Cục Chăn nuôi, mỗi năm nhu cầu sử dụng thịt lợn cả nước chiếm hơn 3 triệu tấn trong tổng lượng thịt các loại là 4 triệu tấn. Riêng năm 2011, nhu cầu sử dụng thịt lợn ước tính tăng lên 3,3 triệu tấn. Lượng thịt nhập khẩu bình quân mỗi năm chỉ chiếm 3 - 5% so với nhu cầu và dự báo tỉ lệ này ngày càng tăng. Năm 2010, nước ta nhập khoảng 83.000 tấn thịt các loại - tăng 50% so với năm 2009. Giá thịt trong nước thời điểm qua mặc dù tăng song vẫn thấp hơn một số nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Lào... vì vậy không thể khẳng định giá thịt lợn tăng là do thiếu.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khẳng định, việc tăng giá vừa qua sẽ chỉ tăng cục bộ và sớm giảm nhiệt trong các tháng mùa hè tới. Ngoài ra, dịch bệnh tai xanh đang được kiểm soát tốt nên số lượng đàn lợn khỏe mạnh sẽ sớm được lưu thông, tránh gây tình trạng hiểu nhầm “thiếu thịt” nhằm đầu cơ tăng giá trong thời gian tới.