Mỗi khi tỷ giá “nhảy nhót” VN-Index lại “khó ở" |
Chỉ số của sàn TP. Hồ Chí Minh đang đứng trên thế của những cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, BVH, VCB, BID, MSN, VIC, CTG... Các mã trên thay nhau lên xuống để đỡ chỉ số. Tuy nhiên, mọi sự níu kéo cho dù bền bỉ đến mấy cũng phải đến hồi kết thúc khi dòng tiền dành cho chứng khoán vẫn chưa thấy có dấu hiệu mở rộng.
Sau khi đạt đỉnh 140.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNM đã tỏ ra kiệt sức trong khi BVH đã loanh quanh ở vùng 60.000 đồng/cổ phiếu vài tuần nay. VCB cũng đang lưỡng lự trước ngưỡng kháng cự 50.000 đồng/cổ phiếu. BID đang giậm chân ở điểm nhấn 23.000 đồng/cổ phiếu. Ngân hàng BIDV đang đàm phán bán 20% cổ phần cho đối tác nước ngoài và việc giá cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã làm cho việc thương lượng về giá bán trở nên không dễ dàng. Một khi BID, CTG, MBB, ACB giữ một khoảng cách tương đối xa so với VCB, thì việc bứt phá của thị giá VCB sẽ khó xảy ra. Do đó kỳ vọng vào sự tăng trưởng của giá cổ phiếu VCB để đẩy VN-Index đi xa hơn ở thời điểm hiện tại dường như là không tưởng.
Trong trường hợp các trụ cột không đứng vững, đặc biệt là các trụ ngân hàng, khả năng VN-Index duy trì được mốc 600 điểm sẽ trở nên mỏng manh. Nên nhớ sự phân hóa đã diễn ra rất mạnh giữa các cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan và các cổ phiếu đầu cơ, những cổ phiếu chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu thế giới như dầu khí, của chu kỳ kinh tế như bất động sản hay chứng khoán.
Ngoài các cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền đã dịch chuyển và bám trụ một thời gian dài ở những cổ phiếu thanh khoản không cao, lượng cổ phiếu có thể giao dịch thấp, làm cho thị giá các cổ phiếu này đang trở nên đắt đỏ so với chính bản thân chúng trước đây và so với các nhóm cổ phiếu khác. Giờ đây chỉ cần một sự đảo chiều của xu hướng ngắn hạn, việc chốt lời hàng loạt ở những cổ phiếu này sẽ xảy ra.
Trong số các thông tin có giá trị giúp cho thị trường diễn biến lạc quan vừa qua, việc thoái hết vốn nhà nước ở tám công ty niêm yết trên sàn là liều thuốc kích thích đối với nhà đầu tư. Các cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn đã có mức tăng trưởng ngoạn mục trong nửa cuối tháng 10, đầu tháng 11, nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hầu như chưa có động tĩnh gì.
Nhóm cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường trong những tuần tới? Một khi thiếu sự dẫn dắt, chỉ số sẽ rất khó nương được ở mức 600 điểm như nhiều nhà đầu tư dự báo. Cổ phiếu bất động sản đã gần như “chìm nghỉm” trừ VIC có nhích nhẹ vào những phiên được khối ngoại giải ngân nhiều. Cổ phiếu điện, kể cả thủy điện và nhiệt điện, đã bị thị trường “bỏ rơi”. Gần nhất, Công ty Chứng khoán Bản Việt còn dự báo có thể cổ phiếu PPC sẽ bị loại khỏi danh mục của các quỹ ETFs trong kỳ cơ cấu danh mục tới và lượng cổ phiếu PPC có thể sẽ bị bán ra tới hơn 12 triệu đơn vị.
Cổ phiếu các công ty chứng khoán đã “lạc lối” khi không được dòng tiền chú ý đến. Thị giá KLS, AGR - hai tên tuổi có tiếng trên thị trường - đang ở vùng đáy của 52 tuần. Ngay cả HCM hay SSI giao dịch cũng cầm chừng. Kết quả kinh doanh quí 3 của các công ty chứng khoán nhìn chung đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu môi giới giảm.
Tiền sẽ không thể đổ mãi vào các trụ hay những cổ phiếu được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào thấp như CAV, NTP, BMP, PAC... Những quả bong bóng có thể sẽ hình thành khi các cổ phiếu kể trên chuyển sang mang tính đầu cơ thay vì đầu tư. Hậu quả của sự đầu cơ này, nếu có, sẽ tác động dây chuyền nhiều hơn là các cổ phiếu đầu cơ truyền thống bởi thanh khoản của chúng khá yếu.
Một điểm lưu ý khác là khối ngoại đang bán ròng. Một số quỹ đóng tiếp tục hành trình bán ra để đóng quỹ, nhất là đối với cổ phiếu HPG bất chấp kết quả kinh doanh tốt của tập đoàn trong chín tháng đầu năm nay. HAG vẫn chưa kết thúc việc bán ra của khối ngoại. Giá càng lên cao, sự chuyển nhượng nội khối cổ phiếu VNM giữa các tổ chức nước ngoài diễn ra càng thường xuyên.
Nếu có gì cần quan tâm trong tuần tới, thì đó chính là biến động của tỷ giá hối đoái vì mỗi khi tỷ giá “nhảy nhót” VN-Index lại “khó ở”. Sau một số tuần dao động ở mức 22.300 đồng/đô la Mỹ, mấy ngày qua đô la Mỹ đang lên giá với tốc độ nhanh so với tiền đồng. Ngày 17/11/2015, giá đô la Mỹ chuyển khoản bán ra của các ngân hàng lại một lần nữa vượt 22.500 đồng, tiệm cận mức trần. Trên thị trường tự do, giá mua bán đang ở mức 22.650- 22.680 đồng/đô la Mỹ.