Thời kỳ phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Campuchia
Ảnh Internet |
Cách đây 50 năm, trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Campuchia là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm qua, mặc dù có biết bao khó khăn, thử thách với nhiều thăng trầm nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là tài sản vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc, cần được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ, vun đắp để mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và toàn diện.
Hai bên tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, hai bên đã trao đổi trên 150 đoàn các cấp. Nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết, làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai bên. Hợp tác kinh tế chính là chất keo kết dính tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng bền chặt.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư, Việt Nam hiện có khoảng 190 dự án được cấp phép trên nhiều lĩnh vực với số vốn đăng ký khoảng gần 2,9 tỷ USD. Các dự án trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2016 đạt khoảng 3 tỷ USD.
Không chỉ giúp Campuchia phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn là những nhà đầu tư có trách nhiệm, làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện đời sống người dân địa phương, được phía Campuchia ghi nhận và đánh giá cao.
Định hướng đến năm 2020, nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia sẽ đạt 6 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Campuchia có tiềm năng đầu tư.
Theo lịch trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc hội kiến với Quốc vương Norodom Sihamoni; thăm Hoàng Thái hậu Norodom Monineat Sihanouk; chào Đại tăng thống Tepvong và Đại tăng thống Bukri; hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen. Sau cuộc gặp, hai lãnh đạo cấp cao chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác Campuchia - Việt Nam và một số văn kiện khác.