Tước giấy phép, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm
Trước đó, ngày 21/2 vừa qua, Vuasanca có đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ma trận" quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe "nổ" công dụng như “thần dược”. Bài viết phản ánh hàng loạt sản phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo là sữa tăng chiều cao, tăng cân,… có công dụng như “thần dược” khiến người tiêu dùng như rơi vào "ma trận" thông tin.
Cụ thể, đó là các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe như sữa tăng chiều cao do Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Việt Nam đang chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Sữa tăng cân Hiweight đang được quảng cáo rầm rộ.
Người tiêu dùng đang bị mê hoặc bởi những quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe |
Không chỉ những sản phầm này mà suốt một thời gian dài, hàng loạt các tổ chức, cá nhân khác đang quảng cáo, rao bán các sản phẩm được cho là sữa tăng cân, giảm cân, tăng chiều cao trên website, mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là đã có các quy định về quảng cáo trên internet đang ngày một được siết chặt, để đảm bảo môi trường truyền thông và kinh doanh văn minh. Hơn nữa, là mạng ảo nhưng những hậu quả, sai sót mà kênh truyền thông này có thể để lại đều là thật.
Không thể phủ nhận, quảng cáo trên internet phát triển mang đến cơ hội thành công cho hàng ngàn, hàng triệu cá nhân và tổ chức. Nhưng, cùng với đó thì nhiều vấn đề gian lận trong quảng cáo, quảng cáo trái phép cũng nổi lên. Theo luật sư Nguyễn Hoài Hước – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Bình cho biết, các quy định về quảng cáo trên internet đã được xây dựng cụ thể trong Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Thứ nhất, về điều kiện để các tổ chức, cá nhân được phép quảng cáo, rao bán các sản phẩm về sữa trên internet được quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2012. Theo đó, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ thuộc nhóm các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt cần có các giấy tờ sau để hoạt động quảng cáo: Giấy chứng nhận tiêu chuẩn; Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm nội địa); Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành (đối với sản phẩm nhập khẩu).
Tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định cấm các hành vi quảng cáo “không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm” hay quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”. Ngoài ra, các “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo” thuộc sản phẩm bị cấm quảng cáo theo khoản 4, Điều 7 Luật Quảng cáo 2012.
Thứ hai, về chế tài xử lý hành vi vi phạm trong hoạt quảng cáo sẽ căn cứ vào các Điều 33, 34, 36, 55 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, cá nhân, tổ chức. Theo đó, mức phạt tiền cao nhất lên đến 80 triệu đồng.
Những lời quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa tăng cân |
Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo; buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân bằng văn bản; buộc cải chính thông tin.
Ngoài ra, việc người bán hàng đưa ra những thông tin không rõ ràng về sản phẩm dẫn đến người tiêu dùng hiểu nhầm xuất xứ, công dụng của sản phẩm cũng sẽ bị xử lý. Cụ thể, cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Bên cạnh hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 8, Điều 35 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Đáng chú ý, không chỉ bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Về vấn đề xử lý với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này. Đồng thời, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm, quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Nói về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với những sản phẩm kém chất lượng, hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe đội lốt sữa và được quảng cáo như “thần dược”. Bởi vì, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn tiểm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hay thực phẩm chức năng đội lốt sữa và được quảng cáo như “thần dược”… Những loại hàng này thường có giá rẻ và do một số tiểu thương hám lợi nên đã trà trộn để bán lẫn, quảng cáo với sức hút mạnh vào sự hiệu quả mang lại một cách nhanh nhất nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Vì thế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật. Không những thế, người tiêu dùng cần áp dụng các biện pháp kiểm tra các sản phẩm mà mình muốn sử dụng.
Cụ thể, người tiêu dùng cần kiểm tra nhanh thông tin liên hệ của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, nhất là các thông tin qua website, số điện thoại đường dây nóng, thông tin hoạt động của doanh nghiệp trên trang tra cứu công khai của cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục Sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, người tiêu dùng có thể chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp hiệu quả giúp nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu, quản lý lưu thông hàng hóa và giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể áp dụng xác thực điện tử Icheck - Giải pháp kiểm tra sản phẩm chính hãng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đăng ký sử dụng miễn phí dịch vụ xác thực điện tử của Icheck tại địa chỉ www.ICheck.vn/register.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn thuế
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân quảng cáo rao bán sản phẩm trên các website, nền tảng mạng xã hội và không bán trực tiếp, đa số cơ sở này cho biết không xuất hóa đơn VAT khi khách mua hàng.
Luật sư Nguyễn Hoài Hước nhận định, kinh doanh là phải nộp thuế. Việc bán hàng online phát triển rất mạnh, nhưng hầu hết đều không kê khai và nộp thuế, việc các cá nhân này có thể dễ dàng lách thuế là vì những người mua hàng online trên facebook, trên các sàn thương mại điện tử... đều không lấy hóa đơn.
Luật sư Nguyễn Hoài Hước cho biết hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. |
Ngoài ra, bên bán hàng nhận thanh toán bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng (COD) hoặc thanh toán qua ví điện tử, qua các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế. Các tổ chức cũng như cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cho rằng cơ quan thuế không nắm được doanh thu này, nên không thực hiện kê khai nộp thuế trong suốt nhiều năm qua.
Thế nhưng, nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân, đặc biệt đối với những đơn vị, cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh trên nền tảng internet. Các cá nhân có phát sinh doanh thu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài như YouTube, Google, facebook… trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế. Hai loại thuế mà cá nhân kinh doanh phải đóng là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Quy định là vậy, nhưng việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên “chợ mạng” có đóng thuế cho nhà nước hay không thì chưa chắc.
“Trốn thuế là thực trạng đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay. Với cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế. Pháp luật Việt Nam quy định, trốn thuế là hành vi thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số thuế phải đóng hoặc trốn tránh việc đóng thuế cá nhân, doanh nghiệp”, luật sư Hước khẳng định.
Theo quy định, trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi trốn thuế.
Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Để chấn chỉnh tình trạng né thuế, lách thuế của các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng hóa online, theo ý kiến các chuyên gia pháp lý, cơ quan thuế cần tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ đôn đốc người nộp thuế tự khai thuế, nộp thuế theo quy định. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với hoạt động thương mại điện tử, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử,...