Mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư đối với thị trường chứng khoán trong những ngày qua là tác động của Thông tư 36 (có hiệu lực từ ngày 1/2) đến thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, các chỉ số của sàn chứng khoán đã không rớt mạnh, khiến các nhà đầu tư tạm thời yên lòng.
Giao dịch chứng khoán những ngày đầu tháng 2 có phần sụt giảm. |
VN-Index khởi đầu tháng 2 bằng 2 phiên giảm điểm, trong đó, ngày 3/2/2015, chỉ số giảm tới 12,9 điểm, nhưng thanh khoản đạt mức cao nhất trong tuần. Rất may, những “cú hắt hơi” này cũng qua nhanh trong 3 phiên giao dịch sau đó. Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2, VN-Index chỉ giảm 2 điểm và đạt 574,1 điểm. Tiếp đó, trong phiên ngày 9/2, VN-Index cũng chỉ giảm nhẹ 0,58 điểm, xuống 573,55 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng chỉ giảm 1,7 điểm, về mốc 83,87 điểm trong tuần đầu tháng 2 và giảm nhẹ 0,54 điểm, xuống 83,33 điểm trong phiên giao dịch ngày 9/2.
Diễn biến đáng chú ý nhất trong những phiên giao dịch 10 ngày đầu tháng 2 là thanh khoản của thị trường đã có phần sụt giảm. Đây có thể được coi là phản ứng ban đầu của các nhà đầu tư khi Thông tư 36 có hiệu lực.
Trên sàn TP.HCM, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình chỉ đạt gần 75,9 triệu cổ phiếu/ngày, tương đương 1.189 tỷ đồng/ngày, giảm 28,4% về khối lượng và giảm 33,3% về giá trị. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức thấp trong phiên giao dịch ngày 9/2, với hơn 71,3 triệu cổ phiếu được sang tên, giá trị đạt hơn 1.232 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các nhà quan sát, một số nhà đầu tư tạm thời ngừng giao dịch để nghe ngóng và đo lường phản ứng của thị trường. Nếu thị trường tiếp tục trụ vững ở mặt bằng giá như hiện nay, thì giới đầu tư có thể sẽ quay lại mua bán, giúp thanh khoản phục hồi.
Hơn nữa, việc sụt giảm về giao dịch của thị trường trong thời gian qua cũng không phải hoàn toàn do ảnh hưởng của Thông tư 36, bởi giao dịch thường kém sôi động dịp cận Tết. Xu hướng chung trong giai đoạn giáp Tết của nhà đầu tư là muốn giữ tiền mặt để lo các khoản chi tiêu và kinh doanh trước Tết, nên mức độ giải ngân cho chứng khoán giảm. Trong khi đó, bên bán cũng không muốn xả hàng với giá thấp, nên thị trường sụt giảm giao dịch là điều tất yếu.
Hiện tại, những lo ngại về ảnh hưởng ngắn hạn của Thông tư 36 đối với thị trường đã tạm thời lắng dịu. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn còn nỗi lo “cú ngã” của thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi nguồn tiền vay giao dịch ký quỹ (margin) giảm dần trong thời gian tới, do phải tuân thủ các quy định của văn bản này.
Trong thời gian trước đây, các công ty chứng khoán có thể tiếp vốn cho hoạt động margin của các nhà đầu tư bằng nguồn vốn tự có và bằng cách “bắc cầu” để bơm vốn cho khách hàng từ vốn ngân hàng. Nhưng khi Thông tư 36 có hiệu lực, hoạt động margin bằng nguồn vốn tự có không bị ảnh hưởng gì, nhưng hoạt động thông qua hình thức “bắc cầu” sẽ ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau, tùy vào công ty chứng khoán.
Theo bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tài chính thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Thông tư 36 có thể có ảnh hưởng mạnh tới các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu nhỏ và khó tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau trên thị trường. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn lại có cơ hội để đa dạng hóa nguồn vốn huy động, gia tăng lợi ích cho khách hàng cũng như tăng tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình.