CôngThương
Một số thay đổi, bổ sung của Thông tư 20:
"...Thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ cho các cơ quan quản lý gồm: Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật...; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp..."
Có thể khẳng định, đây là một liều thuốc “đặc trị ”cần thiết và nhận được sự đồng tình của tất cả những ai quan tâm đến tình hình nhập siêu đang liên tục tăng và làm khó cho nền kinh tế của đất nước từ nhiều năm nay!
Không đồng tình sao được, khi tại thời điểm này tốc độ nhập siêu vẫn tiếp tục đà tăng cao, trong đó một trong những tác nhân chính là ô tô nhập khẩu? Xin nêu cụ thể: Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm của cả nước đạt khoảng 31,8 tỉ USD, tăng 29,1% so cùng kỳ năm 2010. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng mạnh là nguyên phụ liệu dệt may, ô tô, xăng dầu... riêng ô tô nguyên chiếc tăng 71% về số lượng và 88% về kim ngạch! Dẫn đến tổng mức nhập siêu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt gần 4,9 tỉ USD, tăng trên 5% so cùng kỳ 2010. Bước sang tháng 5, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt khoảng 7,5 tỉ USD, nhập khẩu đạt khoảng 9,2 tỉ USD. Như vậy, sau 5 tháng nhập siêu của cả nền kinh tế đã đạt khoảng 6,5 tỉ USD, tương đương 19% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu có nguy cơ tiếp tục neo giữ ở mức cao là rất lớn, trong khi mục tiêu của Chính phủ đề ra cho cả năm tại Nghị quyết 11 là kiềm chế con số này ở mức dưới 16%!
Rõ ràng, Thông tư 20 của Bộ Công Thương là một trong những giải pháp mạnh và cần thiết để thực hiện mục tiêu điều hành kinh tế của Chính phủ. Để giải bài toán khó về giảm nhập siêu, tiếp theo liều thuốc “đặc trị” đối với ô tô nhập khẩu chắc chắn sẽ còn những liều thuốc “đặc trị” khác với các mặt hàng nhập khẩu như điện thoại di động, rượu ngoại, hàng mỹ phẩm... đây cũng chính là những tác nhân góp phần làm cho nhập siêu tăng cao.
Trở lại với Thông tư 20. Đang có luồng phản ứng trái ngược từ các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Một số nhà nhập khẩu đã tổ chức cuộc họp bất thường và ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường... kiến nghị dừng áp dụng Thông tư 20?
Một số câu hỏi của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đặt ra là: Ai sẽ được hưởng lợi khi Thông tư 20 có hiệu lực, quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ có được đảm bảo như mong đợi?...
Như đã nói, mục tiêu hướng đến của Thông tư 20 là giảm nhập siêu. Một khi nhập siêu giảm, cán cân thương mại được thu hẹp, lạm phát sẽ được kiềm chế, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn... Và, như vậy câu trả lời người được hưởng lợi trước nhất chính là nền kinh tế đất nước! Không phải ngẫu nhiên sau Nghị quyết 11, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- Trong nhiều cuộc họp đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương phải tìm giải pháp thực hiện bằng được việc kiềm chế nhập siêu. Xe ô tô, điện thoại di động, rượu ngoại, hàng mỹ phẩm xa xỉ... chính là những mặt hàng trước mắt cần phải hạn chế nhập khẩu. Còn Thông tư 20 có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng? Cần phải nói rõ, người tiêu dùng ở đây là những đối tượng nào? Chắc chắn không phải là hàng triệu người tiêu dùng đang làm công ăn lương ở các cơ quan, nhà máy xí nghiệp, càng không phải hàng chục triệu người tiêu dùng là người lao động có mức thu nhập trung bình, thậm chí dưới mức trung bình. Vậy thì đối tượng người tiêu dùng liên quan trực tiếp đến xe ô tô nhập khẩu đắt tiền lâu nay, thậm chí có nhiều siêu xe hàng triệu USD... phần lớn là công chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước và một bộ phận là các đại gia, doanh nghiệp lắm tiền, nhiều của...
Cần lưu ý, công chức cơ quan từ các Bộ, ngành ở Trung ương đến các tỉnh, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước đang hưởng ứng và tập trung thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc cho đến thời điểm này, chưa có một cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước nào lên tiếng “bác lại” Thông tư 20 không nằm ngoài ý nghĩa đồng tình và thực hiện nghiêm các giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ. Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp đặt ra khi thực hiện Thông tư 20, an toàn giao thông đường bộ có được đảm bảo?
Có lẽ không cần phải trả lời câu hỏi này. Bởi hơn ai hết các doanh nhiệp nhập khẩu cũng biết, tình trạng kẹt xe, tắc đường, tai nạn giao thông diễn ra hàng ngày như là một vấn nạn của xã hội ở các tỉnh, thành phố những năm qua có cả sự “can dự” của các loại ô tô nhập khẩu!
Như vậy thì Thông tư 20 động chạm đến quyền lợi của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhiều hơn cả! Đến nỗi, một số doanh nghiệp đã bị “sốc” (chữ trong đơn kiến nghị) bởi lo hết đường làm ăn, sẽ phải phá sản?
Có đến mức vậy không? Theo số liệu của một số Vụ chức năng (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nếu một năm nhập khẩu về Việt Nam khoảng 30.000 xe dưới 9 chỗ ngồi thì mỗi doanh nghiệp một năm cũng chỉ trực tiếp nhập khoảng 20 xe, một tháng 2 xe. Nếu lại như có thông tin nói có tới trên dưới 3.000 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thì số xe nhập khẩu hàng năm của mỗi doanh nghiệp còn ít hơn! Trên thực tế thì lâu nay không có một doanh nghiệp nào chỉ chăm chăm và tồn tại bằng mỗi việc quanh năm suốt tháng chỉ lo nhập khẩu ô tô mà thường hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu tổng hợp...
Như vậy chỉ có thể nói, Thông tư 20 có ảnh hưởng đến một phần việc nhất định và ít nhiều là lợi nhuận có được từ những chiếc xe ô tô nhập khẩu của doanh nghiệp. Thiết nghĩ, mỗi doanh nghiệp chỉ vì quyền lợi nhỏ của mình mà không nghĩ đến lợi ích lớn cho cả nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước? Tương tự như vậy, với việc thực hiện Thông tư 20, rồi đây một số đối tượng người tiêu dùng cũng sẽ bị hạn chế trong việc mua sắm xe ô tô nhập khẩu theo ý muốn. Nhưng, chắc chắn đông đảo người tiêu dùng cũng sẽ vì mục tiêu chung của nền kinh tế và chia sẻ , đồng tình với liều thuốc “đặc trị”- Thông tư số 20/2011/TT-BCT- của Bộ Công Thương.