Thu hơn 8.096 tỷ đồng tiền thuế từ 74 nhà cung cấp nước ngoài
Thống kê đến hết năm 2023, dù còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế nhưng đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài.
Ngành thuế tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và các nhà cung cấp nước ngoài |
Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Đối với Cổng thông tin thương mại điện tử, tính đến cuối năm 2023, đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin. Số thuế kê khai của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong năm 2023 đã tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, số thu từ thương mại điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng.
Cùng với việc quản lý thu, thời gian qua, ngành thuế cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, phân công nhiệm vụ triển khai công tác kiểm tra đối với người nộp thuế bao gồm: 18 doanh nghiệp trong nước (6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam) và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Đặc biệt, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật Thuế và các văn bản dưới Luật có liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc khai thuế, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như: chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, trung gian thanh toán… để nắm bắt thông tin về các cá nhân, tổ chức có kinh doanh thương mại điện tử.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt chú trọng người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu nhằm nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.