Thu hút FDI tại Đồng Nai: Về đích sớm
Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trao quyết định thành lập Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cho Công ty CP Đô thị Amata Long Thành |
Ngoài 57 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,1 tỷ USD, Đồng Nai còn có 47 dự án FDI xin điều chỉnh tăng vốn, với số vốn đăng ký tăng khoảng 219 triệu USD. Như vậy tính đến tháng 7/2015, tỉnh đã về đích sớm trong việc thu hút vốn đầu tư FDI và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2015 trên 300 triệu USD. Các dự án đầu tư vào Đồng Nai tập trung đa số trong các KCN với 54 dự án, còn ngoài KCN chỉ có 3 dự án.
Theo bà Bồ Ngọc Thu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai- việc sớm hoàn thành mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2015 do tỉnh đã có những giải pháp cụ thể mời gọi nhà đầu tư ngay từ đầu năm. Cụ thể: Địa phương đã cung cấp rõ ràng các chính sách, lĩnh vực, địa điểm ưu tiên thu hút đầu tư; quy hoạch rõ từng vùng, khu trên địa bàn dành cho từng ngành nghề khác nhau để hài hòa nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực... Đồng thời, các ngành chức năng cũng giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn nên nhiều DN đã chọn Đồng Nai để đầu tư.
Đáng chú ý, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Mới đây, tỉnh vừa trao quyết định thành lập Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đô thị Amata Long Thành.
Ông Phạm Văn Sáng- Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đồng Nai- cho biết: Tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi với DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như cho hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; thuế xuất nhập khẩu được miễn cho tài sản cố định hình thành DN; miễn thuế 5 năm đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được; miễn 11 năm tiền thuê đất kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ ban hành bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện thu hút đầu tư dự án sản xuất chi tiết, phụ tùng máy móc, thiết bị làm đầu vào cho các nhà máy lắp ráp. Qua đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần giảm nhập siêu và ổn định sản xuất trong nước.