Ảnh minh họa |
Riêng năm 2015, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam thu hút trên 22 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm. Trong đó, vốn FDI giải ngân có thể đạt trên 14 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016, trong đó, bên cạnh các đối tác đầu tư truyền thống đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… sẽ có thêm các đối tác đầu tư mới đến từ Mỹ, châu Âu.
“Cơ hội thu hút vốn FDI của Việt Nam đang rất lớn, song hiện Việt Nam đã thu hút được gần 270 tỷ USD vốn FDI. Để nâng cao hiệu quả dòng vốn, đã đến lúc Việt Nam cần ưu tiên chất lượng thay vì chạy theo số lượng dự án FDI”- ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài- chia sẻ.
Một thời gian dài, dòng vốn FDI được đánh giá là kém hiệu quả, nhiều dự án FDI vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng lao động giá rẻ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế... Để dòng vốn FDI thực sự hiệu quả, TS.Hoàng Văn Cương- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể trong thu hút FDI. Theo đó, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đồng bộ hơn, phù hợp hơn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; cần tích cực cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, thông thoáng, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa phù hợp với các cam kết trong hội nhập quốc tế; tập trung thu hút các dự án FDI của những doanh nghiệp lớn, có tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, không cấp phép các dự án lạc hậu, thiếu tính khả thi, tác động xấu tới môi trường...
Đặc biệt, để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI, nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Việc kiểm soát toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI phải có sự phối hợp chăt chẽ của các cơ quan chức năng với cơ quan thuế.
Để thu hút được những dự án FDI có chất lượng, thời gian tới, Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt hơn cơ hội hợp tác với khu vực FDI; tăng sức lan tỏa của FDI đến nền kinh tế Việt Nam.