10 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 19,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 40,8% so với cùng kỳ
Cụ thể, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã cấp phép cho 1.657 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12,42 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2014 về số dự án và 24,8% về số vốn đăng ký. Cùng với đó, Việt Nam cũng thu hút được thêm 667 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,866 tỷ USD.
Tính chung cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm, 10 tháng đầu năm Việt Nam đã thu hút được 19,3 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ 2014. Các chuyên gia dự báo, thu hút FDI thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, do đó mục tiêu thu hút khoảng 22 tỷ USD trong năm 2015 là hoàn toàn khả thi.
Vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đầu năm đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2014, trung bình mỗi tháng nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 1,1 tỷ USD tại Việt Nam, đây được đánh giá là mức giải ngân khá ấn tượng, cho thấy sức hấp dẫn thực sự của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất từ đầu năm đến nay với gần 12,5 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 64,7% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng đầu năm. Trong tổng số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm Malaysia là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn cam kết 2,4 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng vốn đăng ký mới. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 với 2,06 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư và Vương quốc Anh xếp thứ 3 với 1,266 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư.
Cùng với vốn đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm và giải ngân tăng mạnh, hoạt động của khu vực FDI trong những tháng đầu năm cũng được ghi nhận khá tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong 10 tháng đầu năm (kể cả dầu thô) đạt 95 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn FDI tăng mạnh so với cùng kỳ là do thu hút được một số dự án lớn, điển hình như Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD của nhà đầu tư Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh; Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc có tổng vốn 3 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do Công ty Bất động sản Thiên Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd- Vương quốc Anh đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài nguyên nhân trên, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện, những thay đổi mạnh mẽ về chính sách pháp luật, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội “bấm nút” thông qua vào ngày 26/11/2014. Theo đó, Luật Đầu tư mới đã bãi bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký cho nhà đầu tư trong vòng 15 ngày thay cho 45 trước đây. Các ngành nghề kinh doanh cấm cũng được giảm xuống còn 6 ngành nghề trên cơ sở rà soát hơn 51 ngành nghề cấm. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng giảm xuống còn 272 ngành nghề thay vì 386 ngành nghề như trước.
Luật Doanh nghiệp mới cũng tạo ra đột phá khi doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng, ngành nghề hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, khi có sự thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thông báo với cơ quan chức năng để được bổ sung trong hồ sơ chứ không phải đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như Luật Doanh nghiệp 2005. Thay đổi này không chỉ tạo thuận lợi mà còn giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Sự thay đổi này đang tạo sức hấp dẫn rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.