Nhiều DN FDI đã sản xuất - kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam |
Vốn FDI tăng mạnh
Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã cấp phép cho 1.657 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12,42 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2014 về số dự án và 24,8% về số vốn đăng ký. Ngoài ra, Việt Nam thu hút được thêm 667 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm, đạt 6,866 tỷ USD. Tính chung cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 19,3 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Cùng với vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm, vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đầu năm đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2014, trung bình mỗi tháng nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 1,1 tỷ USD tại Việt Nam. GS- TSKH. Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - nhận định: Đây là mức giải ngân khá ấn tượng, thể hiện niềm tin cao của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài - bên cạnh nguyên nhân như: Lao động rẻ, chế độ chính trị ổn định, chính sách thu hút đầu tư được cải thiện tích cực, thu hút FDI 10 tháng đầu năm tăng mạnh còn bởi sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU mới được ký kết. Hơn nữa, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán cũng tạo sức hấp dẫn lớn đối với môi trường đầu tư Việt Nam.
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI là việc thoái vốn nhà nước tại một số DN lớn như Vinamilk, FPT, Bảo Minh… Đặc biệt, quy định tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại DN trong nước chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9 đang tạo điều kiện tốt cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Với những thuận lợi trên, mục tiêu thu hút 22 tỷ USD vốn FDI trong năm 2015 là hoàn toàn khả thi.
Từ chối dự án hiệu quả thấp
Dù vốn FDI đăng ký trong 10 tháng đầu năm tăng hơn 40% so với cùng kỳ nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng nguồn vốn mới quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Toàn thẳng thắn: Chất lượng được thể hiện qua hiệu quả hoạt động của dự án FDI, công nghệ được sử dụng; nguồn lực và tính lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực doanh nghiệp trong nước.
“Điều đó có nghĩa, chúng ta chào đón dự án FDI lớn, công nghệ cao nhưng cũng phải biết từ chối dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và đến Việt Nam chỉ để tận dụng lợi thế nguồn nhân công giá re” - ông Toàn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách linh hoạt, đưa ra giải pháp cụ thể để tăng cường tính kết nối giữa khu vực DN FDI và DN trong nước, từ đó tận dụng thế mạnh của DN ngoại để phát triển DN nội; giúp DN nội hội nhập sâu rộng và đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.
GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài dự báo: Năm 2015, Việt Nam có thể giải ngân được trên 13 tỷ USD vốn FDI. |