Thu hút vốn ngoại: cần nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn
Cần thêm nhiều sản phẩm |
Một khảo sát do HOSE và Stoxplus thực hiện, lấy ý kiến của 115 quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc… cho thấy, câu trả lời chung nhất của các đối tượng này là: sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay ở những công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt, đặc biệt là những doanh nghiệp mới niêm yết và Nhà nước sắp thoái vốn.
Trong 115 quỹ đầu tư trên, có 72 tổ chức nước ngoài có tổng giá trị tài sản quản lý đạt 2,4 tỷ USD trong tổng số 10,8 tỷ USD vốn nước ngoài phân bổ vào Việt Nam, chủ yếu là các công ty quản lý quỹ có quy mô từ 100 triệu USD trở lên.
Theo thống kê, trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phần hiện nay, chăm sóc y tế, công nghệ và bán lẻ là những lĩnh vực có tỷ lệ vốn ngoại cao, nhưng cao nhất chỉ dừng lại ở mức 35,2% ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng rõ ràng, tỷ lệ đầu tư của khối ngoại vào doanh nghiệp còn rất thấp.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là hạn chế sở hữu nước ngoài chưa được triển khai tại doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, khảo sát của HOSE và Stoxplus cũng cho thấy, đa số vốn ngoại “chê” thị trường chứng khoán Việt Nam vì chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, trong khi những doanh nghiệp đủ lớn thì Nhà nước vẫn sở hữu đa số cổ phần.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Stoxplus nhận xét, nới room chưa hẳn là giải pháp hấp dẫn vốn ngoại, nếu doanh nghiệp đó chỉ có quy mô nhỏ với tiềm năng tăng trưởng bình thường. Dòng vốn ngoại vốn thông minh, nên để hấp dẫn vốn chảy vào Việt Nam, việc cần nhất là đưa các doanh nghiệp có quy mô lớn, nền tảng kinh doanh tốt, có thương hiệu như Sabeco hay Habeco, Mobifone lên sàn và Nhà nước bán bớt vốn. Đó mới là bước tiến lớn về quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường.
Một điểm hạn chế nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam là sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết còn rất lớn. Thống kê cho thấy, trên HOSE, sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết tính bình quân là 32%, còn trên HNX lên tới trên 40%. Nếu không thoái vốn Nhà nước, sẽ không thể tăng tính lỏng cho cổ phiếu niêm yết và càng không thể thu hút các dòng vốn chuyên nghiệp vào những doanh nghiệp mà sở hữu Nhà nước đủ lớn đến mức có tiếng nói quyết tất, át hết vai trò của cổ đông bên ngoài.
Một trong các sản phẩm đã được bàn luận khá nhiều thời gian trước đây là cổ phiếu không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depository Receipts). Theo ông Thuân, đây chính là sản phẩm được thị trường mong đợi, bởi nó vừa giải quyết được nhu cầu đầu tư của các quỹ bị động, hay quỹ đầu tư chỉ số (tracking index funds). Loại hình đầu tư này không có can thiệp và không muốn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như các quỹ đầu tư hiện nay. Họ chủ yếu quan tâm đến việc cổ phiếu của doanh nghiệp đó có đạt tiêu chuẩn đầu tư không và đầu tư để hưởng cổ tức, hưởng lợi ích tăng giá, chứ không tham gia vào điều hành hay quản trị doanh nghiệp. Nới room bằng cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ giúp doanh nghiệp Việt thu hút được vốn ngoại, nhưng vẫn giữ được thương hiệu, quyền quyết trong tay mình.
Khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được thực thi có nhiều điểm vướng, nhà đầu tư chờ đợi nhà quản lý sẽ sớm xây dựng thêm sản phẩm mới, hữu dụng và đúng nhu cầu thị trường.