Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm việc với Đà Nẵng về định hướng phát triển công nghiệp
Tin hoạt động 04/11/2022 18:31
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2022 Làm gì để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng phát triển? |
Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
Ngành công nghiệp đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng
Thông tin tại buổi làm việc, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện có 06 Khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy 86,89%) , 01 Khu công nghệ cao (tỷ lệ lấp đầy 41,28%), 01 Khu công nghệ thông tin tập trung (tỷ lệ lấp đầy 31,82%) và 01 Cụm Công nghiệp Thanh Vinh mở rộng (tỷ lệ lấp đầy 100%).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương trong khả năng, chức năng của mình sẽ tích cực hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong thực hiện các đề xuất để phát triển công nghiệp |
Đến thời điểm hiện tại, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư 510 dự án, trong đó có 380 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 30.051 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.913 triệu USD.
Giai đoạn 2011-2021, quy mô giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp tăng bình quân 5,67%/năm, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 10,7%/năm. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào cơ cấu GRDP thành phố ngày càng tăng (từ 14,6% năm 2010 lên 14,95% năm 2021).
Cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp tăng bình quân 10,2%/năm.
Ngành công nghiệp giải quyết khoảng 30,5% việc làm toàn thành phố giai đoạn 2011-2015, khoảng 26-27% trong giai đoạn 2016-2021.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ xác định là một trong 03 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Trên địa bàn thành phố có khoảng 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Giá trị tăng thêm (VA) (theo giá so sánh năm 2010) của công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2021 đạt 19.200 tỷ đồng, chiếm 20% VA toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng VA của các sản phẩm CNHT trong toàn ngành công nghiệp tăng dần qua các năm, từ 17,1% năm 2011 lên trên 20,2% năm 2021.
Hoạt động khuyến công, phát triển tiểu thủ công nghiệp có những bước phát triển nhất định.
Tuy nhiên, công nghiệp thành phố còn những hạn chế như quy mô ngành còn nhỏ, chưa có đột phá; công nghiệp chủ lực và hỗ trợ còn hạn chế; thu hút công nghệ cao chưa đạt kỳ vọng; tốc độ đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chậm; công nghiệp hỗ trợ còn vướng nhiều điểm nghẽn; quy hoạch phát triển hạ tầng khu cụm công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất.
Đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của thành phố Đà Nẵng liên quan đến phát triển công nghiệp |
Giai đoạn 2021 – 2030, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) giai đoạn 2021-2030 đạt 12%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 9,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 14,5%/năm; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2025 đạt 24 - 26%; năm 2030 đạt 25 - 27%. Thu hút và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành với hệ số ICOR thời kỳ 2021 - 2025 và 2026 - 2030 duy trì trong khoảng từ 3 - 4; Tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp thời kỳ 2021-2025 đạt 8,0%/năm; thời kỳ 2026 - 2030 đạt trên 9,0%/năm.
Để công nghiệp thành phố Đà Nẵng phát triển, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Công Thương sớm triển khai thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại thành phố Đà Nẵng trong năm 2022 theo nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ thành phố Đà Nẵng kết nối, thu hút đầu tư về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu chuyển giao công nghệ tỏng công nghiệp hỗ trợ…
Bộ Công Thương hỗ trợ, ủng hộ các đề xuất của thành phố Đà Nẵng
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh cho biết, trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, thành phố sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển công nghiệp. Những vấn đề lớn trong phát triển công nghiệp đều đã đưa vào quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Để công nghiệp phát triển, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất Bộ Công Thương quan tâm bổ sung dự án Thành lập trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (nếu có). Về công nghiệp hỗ trợ, đề nghị các đơn vị của Bộ Công Thương kết nối để doanh nghiệp Đà Nẵng tiếp cận các doanh nghiệp lớn.
Hiện thành phố Đà Nẵng còn đang vướng các dự án liên quan đến khu cụm công nghiệp như cụm công nghiệp Cẩm Lệ, khu phụ trợ khu công nghệ cao. “Các dự án này đều đã có quỹ đất sạch. Nhưng đang vướng về cơ chế, chính sách. Thành phố Đà Nẵng mong Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ thành phố gỡ rối những vướng mắc này để các dự án sớm đưa vào hoạt động”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Tại buổi làm việc, các đơn vị của Bộ Công Thương đã giải đáp những kiến nghị, thắc mắc từ phía các cơ quan, doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng.
Liên quan đến thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng, theo ông Nguyễn Hoàng Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, hiện nay, trong đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 – 2025) mới chỉ có 2 trung tâm công nghiệp vùng tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh và khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Vì vậy, nếu thành lập trung tâm thì việc bố trí vốn phải chuyển về giai đoạn sau. “Sang năm 2023, sẽ có đánh giá lại kế hoạch, Vụ sẽ rà soát đánh giá lại nếu có thay đổi, thì Vụ sẽ bổ sung dự án để trình Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét bổ sung vào nửa sau giai đoạn trung hạn”, ông Giang thông tin.
Liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Xuân Lịch – Trưởng Đại diện VPĐD Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho rằng, thành phố Đà Nẵng cần có cơ sở dữ liệu để các nhà đầu tư tham khảo.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối trong Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ sáng 4/11 |
Liên quan đến các đề xuất hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết hiện Sở Thương thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với Cục Công nghiệp về bổ sung 2 dự án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2023 gồm thực hiện một hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ quy mô vùng và triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp. Cục Công nghiệp đang trong giai đoạn xem xét thẩm định đề án.
Liên quan đến hoạt động khuyến công, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề nghị thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn. Liên quan đến vướng mắc khu cụm công nghiệp tại Đà Nẵng, cục Công Thương địa phương đã tích cực phối hợp hỗ trợ thành phố từng bước gỡ rối. Đề nghị khi xúc tiến đầu tư vào khu cụm công nghiệp phải có định hướng rõ nét định hướng đầu tư.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương trong thẩm quyền, chức trách của mình sẽ ủng hộ hoàn toàn tất cả những nội dung đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng. “Đề nghị Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng chủ động làm việc trực tiếp với các đơn vị của Bộ về các vấn đề đã đề cập trong buổi làm việc”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý.