Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Tăng cường phối hợp trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 15/04/2022 13:00
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; đồng chí Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương chủ trì hội nghị |
Cả nước thiệt hại 5.200 tỷ đồng do thiên tai
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT&TKCN Bộ Công Thương, năm 2021 cả nước đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 841 trận thiên tai. Thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương... Tổng thiệt hại về kinh tế là trên 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021 ngành Công Thương đã không để xảy ra thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ở các tập đoàn, tổng công ty khác do Bộ quản lý là không đáng kể.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: “Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và sự triển khai đồng bộ các giải pháp PCTT của các đơn vị trong toàn ngành Công Thương”.
Cụ thể, từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 05 về tăng cường công tác PCTT&TKCN, trong đó đã chỉ đạo các sở công thương các tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty, các chủ hồ chứa thủy điện, các cơ sở khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về PCTT.
Khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ Công Thương đều ban hành Công điện chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, Sở Công Thương các tỉnh, các chủ đập thủy điện và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó; đồng thời tổ chức kiểm tra một số điểm xung yếu. Các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty cũng kịp thời chỉ đạo đơn vị thuộc phạm vi quản lý nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, công tác PCTT được triển khai đồng bộ đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT&TKCN trong ngành Công Thương trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sự phối hợp giữa chủ hồ chứa thủy điện với một số địa phương trong công tác vận hành xả lũ chưa chặt chẽ, công tác vận hành xả lũ của một số công trình thủy điện còn có những tác động ảnh hưởng đến người dân ở vùng hạ du. Một số đơn vị chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị ứng phó với thiên tai…
Sẵn sàng cho những mục tiêu lớn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các chuyên gia, trong năm 2022 sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có khoảng từ 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Ngoài ra, trong các tháng chuyển mùa đã có mưa bão bất thường, từ tháng 4-5 có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Trước dự báo trên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: “Nhiệm vụ PCTT&TKCN trong ngành Công Thương trong năm 2022 là rất lớn, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn điện, an toàn công trình khai thác khoáng sản, dầu khí, cung ứng xăng dầu, công tác đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường… Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 14/4/2022 chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2022”.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đưa ra 8 yêu cầu chung và một số yêu cầu cụ thể đối với các đơn vị trong ngành Công Thương, đó là: (i) Xây dựng kế hoạch công tác PCTT&TKCN; (ii) Công tác chuẩn bị nguồn lực, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các công trình, các điểm xung yếu dễ bị tác động bởi thiên tai trước mùa mưa bão để có biện pháp gia cố, ứng phó thiên tai phù hợp; (iv) Tập trung theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai, đặc biệt trong mùa mữa bão để chủ động, kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có các tình huống thiên tai xảy ra; (v) Thường xuyên tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng chống thiên tai; (vi) Duy trì nghiêm chế độ trực ban và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; (vii) Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành; (viii) Nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị và cộng đồng dân cư xung quanh về kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai…
Tại hội nghị, Bộ Công Thương cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, công tác dự trữ hàng hóa - chế độ cho người làm công tác PCTT, các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền về cách xác định vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện; rà soát các văn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp... để xử lý theo hướng chỉ cần xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (bao gồm cả tình huống khẩn cấp do thiên tai hoặc sự cố kỹ thuật công trình hoặc cả hai yếu tố này gây ra); quy định về xác định trách nhiệm quản lý hành lang thoát lũ...; đề nghị tổ chức nghiên cứu, đề xuất xem xét điều chỉnh bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp thực tế và diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực cùng với một số nghị định, văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn hồ chứa thủy điện, đập...