Thủ tướng dự các phiên họp cấp cao ASEAN 19
- Kiểm điểm tiến trình thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng và Kết nối ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đề nghị phát huy những kết quả tích cực đạt được, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cụ thể, đồng bộ; nâng cao hiệu quả điều phối và giám sát ở cả cấp độ quốc gia và khu vực, trong đó chú trọng gắn kết và lồng ghép các thỏa thuận khu vực vào các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia cũng như dành nguồn lực cần thiết cho bảo đảm triển khai đúng hạn các thỏa thuận đã có. Đồng thời, ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng, trong đó có hợp tác Tiểu vùng Mekong trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, cũng như bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững nguồn nước trong nỗ lực chung của ASEAN thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực, cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tăng cường phối hợp, nâng cao vai trò và đóng góp của mình vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Theo đó, ASEAN cần tăng cường phối hợp lập trường tại các diễn đàn như Liên hợp quốc (LHQ), Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20)..., đóng góp vào việc xử lý các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung của khu vực, như an ninh năng lượng, lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, các vấn đề xuyên quốc gia… Đồng thời, Hiệp hội cần tiếp tục ưu tiên cao nhất cho xây dựng Cộng đồng ASEAN và tập trung vào các vấn đề thiết thân đối với khu vực. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố đoàn kết và thống nhất trong ASEAN vì đây chính là sức mạnh tổng hợp của Hiệp hội; theo đó, cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin; đối với các vấn đề còn khác biệt, các nước sẽ giải quyết trên tinh thần hòa bình, hữu nghị và theo Hiến chương ASEAN. Đồng thời, Hiệp hội sẽ tích cực thúc đẩy xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy giá trị và thực thi hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)..., vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo đánh giá cao việc các đối tác đẩy mạnh quan hệ và ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng và đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực đang định hình. Các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại “rộng mở,” thúc đẩy hợp tác với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học công nghệ, ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề xuyên quốc gia…; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các đối tác hợp tác và đóng góp xây dựng vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, cũng như hỗ trợ các trọng tâm và ưu tiên của ASEAN. Về các vấn đề khu vực và quốc tế, các nhà lãnh đạo tập trung bàn về biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt…, cũng như các thách thức đang đặt ra khác, như an ninh, an toàn hàng hải, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia… Điều này đòi hỏi nỗ lực hợp tác của không chỉ một vài nước, mà của cả khu vực. Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ ưu tiên cao và đầu tư thích đáng cho hợp tác và nâng cao năng lực khu vực quản lý thiên tai, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, trong đó có triển khai hiệu quả Hiệp định ASEAN về Quản lý thiên tai và Cứu trợ khẩn cấp (AADMER), cũng như bảo đảm Trung tâm Điều phối trợ giúp nhân đạo về quản lý thiên tai, sau khi được thành lập, sẽ hoạt động tích cực và hiệu quả. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh Hiệp hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác và tổ chức quốc tế cho ASEAN trong xử lý các thách thức này. Về Biển Đông, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, huớng tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát biểu tại các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, tiêu chí đề ra trong việc xây dựng Cộng đồng kinh tế, liên kết ASEAN và khắc phục tình trạng chậm thực thi các thỏa thuận; ủng hộ việc thông qua Khuôn khổ về Phát triển kinh tế đồng đều và Khuôn khổ ASEAN về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện. Tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực như thu hẹp khoảng cách phát triển, an ninh năng lượng, lương thực, cũng như tăng cường hợp tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên, kể cả biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông, nhất là sông Mekong, một cách hợp lý để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ASEAN tiếp tục chính sách đối ngoại “rộng mở,” tăng cường quan hệ và tạo điều kiện cho các đối tác tham gia sâu rộng hơn và đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ hình thành Cộng đồng ASEAN, đồng thời phát huy vai trò chủ động trong việc xây dựng khuôn khổ hợp tác và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, vì hòa bình, xây dựng lòng tin và hợp tác phát triển; tiếp tục phát huy vai trò và giá trị của các diễn đàn, cơ chế hiện có vì hòa bình, an ninh ở khu vực… Đề cập về một số vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thiên tai và biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe dọa trực tiếp cuộc sống và sự phát triển của khu vực với quy mô và tần suất ngày càng tăng, gây thiệt hại ngày càng nặng nề... Do vậy, ASEAN cần dành ưu tiên cao cho hợp tác và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEAN cần xây dựng các khuôn khổ hợp tác với các đối tác để có thể nhận được hỗ trợ phù hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho các tuyến đường hàng hải, hỗ trợ người đi biển, bảo vệ môi trường biển. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam khẳng định hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982; bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); trong giải quyết tranh chấp, vấn đề nào chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến nhiều bên thì phải được giải quyết giữa các bên có liên quan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lợi ích của dân cư và sự phát triển bền vững của tất cả các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn; khẳng định việc bảo đảm an ninh năng lượng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia...; ủng hộ Myanmar đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014. Họp với đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao hoạt động và đóng góp của ASEAN-BAC trong năm vừa qua, đặc biệt trong nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực tư nhân vào các hoạt động xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cũng như đóng góp của các doanh nghiệp vào việc tăng cường xây dựng Cộng đồng Kinh tế, liên kết ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN chúc mừng thành công của Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN năm 2011. Các chủ đề thảo luận tại hội nghị năm nay rất thiết thực và thú vị, trong đó có nội dung thảo luận các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm đến Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nhất là các chiến lược, hành động và dự án cụ thể để kết nối lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, như dự án Mạng lưới Đường bộ ASEAN và Đường sắt Sinhgapore-Côn Minh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, rộng mở với nhiều ưu đãi, cơ hội bình đẳng cho tất cả thành phần kinh tế. Ngay sau phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN chứng kiễn lễ ký Hiệp định về thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo đối với quản lý thiên tai và Tuyên bố ASEAN về đoàn kết trong đa dạng văn hóa: Tiến tới củng cố cộng đồng ASEAN. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Tuyên bố khẳng định tăng cường phối hợp và hợp tác ASEAN trong các vấn đề toàn cầu, các vấn đề quan tâm chung tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế, nhằm hướng tới xây dựng lập trường chung của ASEAN và tăng cường sự đóng góp của ASEAN trên các vấn đề toàn cầu, qua đó nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN trong khu vực và trên thế giớ
Theo Vietnam+