Bảo đảm vận hành an toàn hồ chứa thủy điện |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, giông lốc sét, mưa đá, động đất có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Thiên tai đã làm làm 78 người chết, mất tích; 2.109 nhà bị sập, 62.805 nhà bị hư hại, tốc mái; 4.601 nhà bị ngập; 121.852 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp họp về các giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai |
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia nêu cụ thể, ở Việt Nam, dự báo mùa mưa, bão đến muộn, khả năng xuất hiện từ 7-9 cơn bão, trong đó có từ 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam; mưa lớn tập trung và kéo dài ở khu vực Trung Bộ. Lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở khu vực miền núi.
Trước những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường đã, đang xảy ra trên thế giới, trong khu vực và ở nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nguồn lực, nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp, các ngành về phòng chống thiên tai.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các cấp, các ngành, các địa phương đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này khi chúng ta bước vào mùa mưa lũ. “Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phòng chống thiên tai để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho Nhân dân”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Muốn có hiệu quả thì phải phát huy vai trò cơ sở là chính. Dự báo chính xác, kịp thời, chủ động là rất quan trọng. Các địa phương phải tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư. Kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các vị trí công trình trọng điểm, xung yếu bị hư hỏng. Đặc biệt, đề phòng mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày như ở một số nước, tránh bị động, bất ngờ.
Thủ tướng lưu ý công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập. Các địa phương phải rà soát phương án sơ tán dân cư khi bão lũ để bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai cũng như phòng chống dịch bệnh.
Chỉ đạo giám sát, tổ chức vận hành an toàn hồ đập, nhất là hệ thống hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà, các hồ chứa nước có dung tích lớn, các hồ đập xung yếu. Tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa không bảo đảm an toàn, tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; có hệ theo dõi, giám sát, thông tin cảnh báo an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ.
“Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, làm rõ trách nhiệm nếu tình huống đó xảy ra thì ai làm, nếu tình huống xấu, gây hậu quả thì ai chịu trách nhiệm?”- Thủ tướng quyết liệt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại cuộc họp |
Liên quan tới công tác đảm bảo an toàn hồ đập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã triển khai công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai rất tích cực. Hầu hết các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện. “Chủ đầu tư các dự án thủy điện đã chủ động phối hợp với các công trình thủy điện, thủy lợi và cơ quan địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong vận hành hồ chứa, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hạ du, đảm bảo kiểm tra an toàn của đập hồ trong tình huống mưa lũ lớn xảy ra sẽ không bị động”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Thứ trưởng thông tin thêm, đối với công tác khai thác khoáng sản, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các tập đoàn như: Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có chuẩn bị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.
Lắng nghe các giải pháp của Bộ Công Thương, Thủ tướng tiếp tục giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, dự báo thiên tai, năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động khắc phục nhanh hậu quả thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra, nhất là với các công trình phòng chống thiên tai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp, cân đối, đề xuất bố trí trong trung hạn, đặc biệt trong dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 và các nguồn vốn khác để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Về kiến nghị kinh phí hỗ trợ khắc phục thiên tai tại một số địa phương, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, nhấn mạnh tinh thần: Làm chặt chẽ, kịp thời, chống thất thoát và bảo đảm hiệu quả.