Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, quan hệ giữa Việt Nam và Nepal được duy trì, củng cố và phát triển tốt đẹp; hai bên đã thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch; đồng thời hai nước luôn ủng hộ nhau và phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương và quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli thông báo kết quả hội đàm Việt Nam - Nepal |
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Nepal phát triển thuận lợi, nhất là hợp tác kênh Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại gần đây có khởi sắc; hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân có nhiều triển vọng phát triển…
Thông báo về kết quả hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội đàm đã diễn ra thành công, hiệu quả, thẳng thắn, thực chất và thắm tình hữu nghị; hai bên đã trao đổi về các vấn đề quan hệ song phương; các vấn đề quốc tế nổi bật cùng quan tâm. Tại hội đàm, hai bên cũng đã chia sẻ quan hệ truyền thống tốt đẹp, đồng thời hài lòng về quan hệ giữa hai bên thời gian qua.
Thông qua hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát triển quan hệ song phương tốt đẹp thời gian qua; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Chính phủ, địa phương và giao lưu nhân dân hai nước. Đặc biệt, Việt Nam hoan nghênh Nepal đã miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ của Việt Nam, đây là cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho quan hệ song phương phát triển bền vững.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam - Nepal khẳng định tiếp tục thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Nepal |
Lãnh đạo Việt Nam – Nepal cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương, xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư; tăng cường giao lưu, hợp tác cho doanh nghiệp; tích cực thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực tiềm năng khác như khoa học công nghệ, an ninh, quản lý xuất nhập cảnh.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam – Nepal tiếp tục ủng hộ chặt chẽ nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, góp phần xây dựng hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và quốc tế. Thông qua kết quả đạt được từ hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nepal, thắt chặt mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và ông Kedar Bahadur Adhikari - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal trao Biên bản ký kết Hệp định khung về hợp tác thương mại, đầu tư giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal |
Phát biểu sau hội đàm, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli vui vẻ cho biết, ông rất vinh dự thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời ghi nhận về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp của Việt Nam - Nepal với những bước tiến quan trọng thời gian qua. Đặc biệt, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli nhấn mạnh việc hai bên đã luôn chia sẻ tiềm năng văn hóa, các giá trị phật giáo cũng như đã tích cực trao đổi các biện pháp phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân. “Tại hội đàm hôm nay hai bên đã ký kết 3 văn kiện hợp tác quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, đặc biệt là sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh”- Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli cho hay.
Ngày 12/5, Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli sẽ tham dự Đại lễ Vesak 2019 tại Hà Nam, và sẽ có bài phát biểu chia sẻ, tìm ra các giải pháp đối với các vấn đề của phật giáo.
Đại lễ Vesak 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; tham dự Đại lễ Vesak 2019 có khoảng 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, gồm Phó Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Nepal, Tổng thống Myanmar, Chủ tịch Thượng viện Bhutan...
Tại hội đàm Việt Nam – Nepal, hai bên đã chính thức ký kết: Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ; Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn song phương; Ý định thư về đàm phán và ký kết hiệp định khung về hợp tác thương mại, đầu tư giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal. |