DN có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMĐT đạt 92% kế hoạch.
CôngThương - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc phát triển TMĐT giai đoạn 2006 - 2010, Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) đã xây dựng, hoàn chỉnh website của Sở và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2007. Đây là website được các DN đánh giá cao về tính hiệu quả trong cung cấp những thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh tế - thương mại của tỉnh, phổ biến chính sách pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực thương mại…
Đồng thời thiết lập mối quan hệ thành viên tham gia trao đổi thông tin, giao dịch, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Ngành du lịch tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng TMĐT.
Ngoài website của Sở Du lịch, nhiều công ty du lịch, công ty lữ hành trong nước và quốc tế đã tham gia vào Cổng giao dịch TMĐT của tập đoàn Hitech - tập đoàn tiếp thị hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và công nghệ thông tin của Hoa Kỳ, để ứng dụng cho hoạt động quảng bá du lịch địa phương.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT, "Sàn Giao dịch TMĐT Thừa Thiên - Huế" chính thức được khai trương (địa chỉ www.hue.vnet.vn), nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.
Kết quả sau 5 năm (2006- 2010) triển khai, hiện trên địa bàn có trên 3.000 DN kết nối Internet, trong đó số DN có kết nối internet thường xuyên chiếm khoảng 90% và từ 10-15% DN có website riêng. Đáng lưu ý, là số DN có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình giữa DN với DN chiếm từ 50 - 60%, đạt 92% kế hoạch; số DN giao dịch loại hình DN với người tiêu dùng chiếm khoảng 60%, đạt 75% kế hoạch.
Việc ứng dụng TMĐT còn được nhiều DN sản xuất công nghiệp, kinh doanh siêu thị, xăng dầu, dịch vụ tài chính- ngân hàng, viễn thông… quan tâm. Điển hình như HTX TMDV Thuận Thành với hoạt động thu ngân qua mạng internet, Công ty Xăng dầu trong việc mua bán xăng dầu qua thẻ Flexicard, Viễn thông với dịch vụ kết nối giữa phụ huynh với nhà trường (Educare); các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, sản xuất dệt may, sợi, đồ gỗ giao nhận đơn đặt phòng, đặt hàng của các đối tác trong và ngoài nước qua mạng internet...
Trên cơ sở những thành công bước đầu, trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh sẽ đầu tư tổng kinh phí trên 4,9 tỷ đồng để phát triển TMĐT.
Cụ thể là xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức liên quan đến TMĐT; dự án sàn giao dịch TMĐT, dự án triển khai chữ ký số và chứng thực chữ ký trong cơ quan nhà nước và DN; cung cấp dịch vụ trực tuyến từ mức 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh, khai báo hải quan điện tử, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử và kê khai nộp thuế.
Ngoài ra, một số dự án lớn nằm trong giai đoạn này sẽ được triển khai và đưa vào ứng dụng, đó là chương trình giao dịch, thanh toán điện tử và dịch vụ viễn thông- CNTT; dự án chợ ảo công nghệ thiết bị; chương trình hỗ trợ xây dựng website DN; chương trình hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT thông qua các công cụ kinh doanh điện tử...
Bên cạnh việc phát triển ứng dụng TMĐT, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hoàn thành kế hoạch xây dựng “Sàn giao dịch TMĐT Bắc miền Trung” - một đề án đang được Bộ Công Thương đánh giá cao.